Ngoại trưởng Mỹ Kerry tới Kyrgyzstan, bắt đầu công du Trung Á

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đến thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan, bắt đầu chuyến thăm 5 nước Trung Á gồm Kyrgyzstan, Uzbekistan, Kazakhstan, Tajikistan và Turkmenista.
Ngoại trưởng Mỹ Kerry tới Kyrgyzstan, bắt đầu công du Trung Á ảnh 1Ngoại trưởng Kyrgyzstan Erlan Bekeshovich (phải) đón Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) tại sân bay Manas ngày 31/10. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 31/10, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đặt chân xuống sân bay Manas ở ngoại ô thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan, bắt đầu chuyến thăm 5 nước Trung Á gồm Kyrgyzstan, Uzbekistan, Kazakhstan, Tajikistan và Turkmenistan.

Theo kế hoạch, ông sẽ có cuộc gặp với Tổng thống nước chủ nhà Almazbek Atambayev và người đồng cấp Erlan Bekeshovich.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Kerry sẽ tham dự lễ khai trương một phòng lãnh sự mới tại Đại sứ quán Mỹ và một cơ sở mới của trường Đại học Mỹ ở Trung Á.

Trọng tâm chuyến thăm Trung Á lần này của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ sẽ là cuộc gặp với những người đồng cấp tới từ năm nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ tại Uzbekistan.

Đây là một nhóm ngoại giao mới được gọi là “C5+1” với mục đích tạo điều kiện để “các ngoại trưởng thảo luận về những cơ hội và thách thức tại khu vực cũng như toàn cầu.”

Tiếp đó, tại thủ đô Astana, Ngoại trưởng Mỹ sẽ tổ chức vòng đối thoại chiến lược Mỹ-Kazakhstan lần thứ 4 và có bài phát biểu về vai trò của Trung Á trên thế giới.

Tại thủ đô Ashgabat của Turkmenistan và Dushanbe của Tajikistan, ông Kerry dự kiến sẽ có các cuộc gặp với giới chức cấp cao của hai nước trên. Mỹ và các nước Trung Á hiện đều có chung mối quan tâm về một số vấn đề, trong đó có cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Tăng trưởng kinh tế của khu vực Trung Á đã bị sụt giảm mạnh do chịu ảnh hưởng của giá dầu giảm cũng như tác động gián tiếp từ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

Trong khi đó, IS đang tuyển mộ các tay súng trong khu vực, tạo ra nguy cơ về làn sóng bạo lực cực đoan. Washington bày tỏ quan ngại rằng những nước cộng hòa non trẻ này có thể phản ứng quá mạnh trước khủng hoảng, kích động bạo lực tôn giáo tại những khu vực đông người Hồi giáo sinh sống.

Đây cũng là nguyên nhân khiến các quốc gia láng giềng như Pakistan và Afghanistan rơi vào vòng xoáy xung đột./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục