Ngổn ngang năm đầu phục dựng di sản thế giới Nhà thờ Đức Bà Paris

Trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bủa vây nước Pháp, hoạt động phục dựng di sản thế giới Nhà thờ Đức Bà Paris buộc phải đình chỉ, mục tiêu 5 năm hoàn thành càng xa vời hơn nữa.
Ngổn ngang năm đầu phục dựng di sản thế giới Nhà thờ Đức Bà Paris ảnh 1Nhà thờ Đức Bà tại Paris được tu sửa sau vụ cháy kinh hoàng ngày 31/5. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chắc hẳn chúng ta, và đặc biệt là người dân ở thủ đô Paris của nước Pháp, chưa thể quên vụ hỏa hoạn kinh hoàng cách đây một năm - vào ngày 15/4/2019 - đã phá hủy phần mái và gác chuông của Nhà thờ Đức Bà (Notre-Dame) hơn 850 năm tuổi - Di sản văn hóa thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận.

Ngay ở thời điểm đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cam kết sẽ phục dựng kiệt tác kiến trúc này trong vòng 5 năm, theo đó công tác tái thiết sẽ được hoàn thành đúng thời điểm Paris đăng cai Đại hội Thể thao thế giới (Olympic) 2024.

Giới chuyên gia khi ấy nhận định rằng đó là một sứ mệnh khó khả thi. Đến nay, trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bủa vây nước Pháp, khiến mọi hoạt động xây dựng ở địa điểm này buộc phải đình chỉ, mục tiêu 5 năm nêu trên dường như còn xa vời hơn nữa.

Việc xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà ở Paris trước đó đã bị trì hoãn trong nhiều tháng để chính quyền thủ đô tiến hành các nỗ lực khử độc chì.

Theo kết quả điều tra, “giặc lửa” đã nung chảy và phân tán thành bụi 460 tấn chì cấu tạo nên phần mái và tháp nhọn của nhà thờ.

Mức độ ô nhiễm ở những khu vực gần nhà thờ và các trường học, trung tâm giữ trẻ cùng các vùng khác của Paris đều lên mức báo động do bụi độc hại. Mật độ bụi chì lắng đọng gần Nhà thờ Đức Bà cao hơn tới 1.300 lần so với mức khuyến cáo an toàn của Pháp.

[Chưa nhất trí được kế hoạch phục chế Nhà thờ Đức Bà Paris]

Bên cạnh đó, kết cấu yếu của di sản này sau vụ hỏa hoạn được cảnh báo là vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, mặc dù nhiều dầm gỗ khổng lồ đã được dựng lên để chống đỡ cho các phần mái vòm và chóp nhọn của nhà thờ.

Công tác phục dựng cũng đã buộc phải đình chỉ nhiều lần trong mùa Đông vừa qua, khi sức gió lên tới hơn 40 km/h. Tuy chưa có công bố chính thức về nguyên nhân gây đám cháy tại Nhà thờ Đức Bà, nhưng các công tố viên cho rằng sự cố xảy ra do chập điện hoặc do tàn thuốc lá chưa dập hết.

Giới chức Pháp vẫn đang trăn trở với việc nên xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà chính xác theo mẫu kiến trúc, trong đó sử dụng các kỹ thuật và vật liệu truyền thống, hay kết hợp cả các thiết bị và kỹ thuật chuyên môn hiện đại.

Thủ tướng Macron cho biết ông ủng hộ việc bổ sung thêm cảm hứng “đương đại" vào công tác tái thiết Nhà thờ Đức Bà - một kiến trúc vốn đã khá hiện đại sau những sự tu bổ của kiến trúc sư Eugene Viollet-le-Duc hồi giữa thế kỷ 19.

Ông cũng cam kết sẽ "hỏi ý kiến" người dân Pháp về bất kỳ lựa chọn nào cho gác chuông Nhà thờ Đức Bà, đồng thời thông báo sẽ phát động một cuộc thi kiến trúc quốc tế tái thiết di sản thế giới này, tuy nhiên chưa có mốc thời gian nào được ông đưa ra.

Trong khi đó, kiến trúc sư trưởng phụ trách công tác tái thiết Nhà thờ Đức Bà - ông Philippe Villeneuve từ chối xác nhận rằng Nhà thờ Đức Bà sẽ có thêm tháp thủy tinh, vườn trên sân thượng hoặc bất kỳ đề xuất bổ sung nào khác.

Kết quả các cuộc thăm dò ý kiến cũng cho thấy hầu hết người Pháp đồng tình quan điểm với kiến trúc sư Philippe Villeneuve.

Tính đến thời điểm này, hơn 900 triệu euro (gần 1 tỷ USD) đã được khoảng 340.000 công ty và cá nhân trên toàn thế giới tài trợ hoặc cam kết tài trợ cho công cuộc tái thiết Nhà thờ Đức Bà.

Với vô số các hoạt động khử độc cho môi trường và các nỗ lực liên quan khác đang chờ đợi, kiến trúc sư Philippe Villeneuve cảnh báo rằng vẫn còn phải trải qua rất nhiều thách thức cho đến khi Nhà thờ Đức Bà được tái hiện.

Do các lệnh cấm tụ họp ở những nơi công cộng để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, năm nay người dân Pháp sẽ không tổ chức hoạt động tưởng niệm vụ hỏa hoạn ở Nhà thờ Đức Bà.

Mặc dù vậy, giới chức nước này vẫn tự tin rằng mục tiêu 5 năm của họ sẽ được hoàn tất đúng thời hạn, để Thánh thi "Te Deum" sẽ lại vang lên ở Nhà thờ Đức Bà vào tháng 4/2024./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục