Ngừng lạm dụng gầm cầu

Hà Nội "xanh hóa" các điểm trông xe dưới gầm cầu

Bộ GTVT lên phương án đề nghị Hà Nội "xóa" và "xanh hóa" các điểm lạm dụng khu vực gầm cầu làm nơi trông giữ xe, làm nhà xưởng, kho bãi.


Sau thời gian thanh kiểm tra công tác quản lý và sử dụng mặt bằng gầm cầu trên địa bàn Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã chính thức có văn bản số 3340/BGTVT-TTr gửi tới Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội; Vụ kết cấu hạ tầng; Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc tăng cường quản lý và bảo vệ mặt bằng gầm cầu, đường trên cao, nút giao tại thành phố Hà Nội. [Giải tỏa bãi đỗ xe tại gầm 3 cây cầu qua sông Hồng] Theo đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội kiểm tra, rà soát toàn bộ mặt bằng gầm cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy, nút giao Pháp Vân, gầm đường vành đai 3 trên cao, lên phương án giải tỏa dứt điểm để trả lại mặt bằng theo thiết kế kỹ thuật, không tổ chức kinh doanh trông giữ phương tiện, làm nhà xưởng, kho bãi. Riêng mặt bằng gầm đường vành đai 3 trên cao từ nút giao Pháp Vân đến Bắc hồ Linh Đàm và khu vực cầu Dậu; khu vực nút giao Pháp Vân, Bộ giao thông Vận tải yêu cầu thành phố Hà Nội phải tiến hành giải tỏa trước ngày 30/5. Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải cũng giao Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam kiểm tra, rà soát tình hình quản lý, sử dụng mặt bằng gầm cầu Thăng Long (cầu đường sắt) và hành lang an toàn cầu, có phương án giải quyết cụ thể, báo cáo Bộ Giao thông kêt quả trước ngày 30/6. [Hà Nội dần "xóa sổ" các điểm trông giữ xe gầm cầu]
Hà Nội "xanh hóa" các điểm trông xe dưới gầm cầu ảnh 1
Nhiều gầm cầu bị "xẻ thịt" thành điểm trông giữ phương tiện. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Ngoài ra, các Bộ, ban ngành liên quan phải căn cứ thiết kế kỹ thuật của công trình để tiến hành tổ chức lại việc sử dụng mặt bằng gầm cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy, nút giao Pháp Vân, gầm đường vành đai 3, như trồng cỏ, trông hoa, lát gạch làm đường đi dân sinh, bố trí đèn, hệ thống cống thoát nước…nhằm bảo đảm an toàn giao thông, an toàn công trình và cảnh quan đô thị, đặc biệt đây là các công trình nằm ở cửa ngõ của Thủ đô. Bên cạnh đó, Bộ giao thông Vận tải yêu cầu Hà Nội tiến hành thanh tra công tác quản lý và bảo trì đường bộ đối với các tổ chức, cá nhân liên quan thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội (trong đó có các công trình cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, nút giao Pháp Vân và đường vành đai 3).
[Thanh tra Bộ GTVT thị sát các gầm cầu bị “xẻ thịt”]
Mặt khác, Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị Hà Nội giao cho Sở Giao thông Vận tải thực hiện quản lý toàn diện về các công trình đường bộ trong đô thị; duy trì tốt tình trạng kỹ thuật của cầu, mặt bằng gầm cầu và công trình ngầm liên quan đến cầu; trường hợp cần sửa chữa, phải có thiết kế, bảo đảm nguyên tắc an toàn giao thông, an toàn công trình và cảnh quan của đô thị.  Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Vụ kết cấu Hạ tầng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2011/TT-BGTVT khắc phục những tồn tại như đã xảy ra tại cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy, nút giao Pháp Vân, gầm đường vành đai 3 trên cao nhằm ngăn chặn phòng ngừa việc lấn chiếm gầm cầu, nút giao sử dụng vào mục đích khác, ảnh hưởng an toàn công trình, an toàn giao thông và cảnh quan đô thị./.
Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục