Người biểu tình Romania tiếp tục xuống đường đòi chính phủ từ chức

Khoảng 50.000 người đã đổ về thủ đô Bucharest để tham gia tuần hành trước tòa nhà trụ sở chính phủ nhằm kêu gọi chính phủ từ chức trước cáo buộc dung túng tham nhũng.
Người biểu tình Romania tiếp tục xuống đường đòi chính phủ từ chức ảnh 1Hàng nghìn người tham gia cuộc biểu tình chống Chính phủ ở thủ đô Bucharest. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Bất chấp thời tiết giá lạnh, ngày 12/2 hàng chục nghìn người dân Romania tiếp tục xuống đường tại nhiều thành phố trên cả nước trong đợt biểu tình đã bước sang ngày thứ 13 liên tiếp nhằm kêu gọi chính phủ từ chức trước cáo buộc dung túng tham nhũng.

Theo truyền thông Romania, khoảng 50.000 người đã đổ về thủ đô Bucharest để tham gia tuần hành trước tòa nhà trụ sở chính phủ. Những người biểu tình bật ứng dụng chiếu đèn trên điện thoại di động để tạo thành hình lá quốc kỳ khổng lồ của Romania với ba màu xanh, vàng và đỏ. Người biểu tình cũng giương cao các biểu ngữ mang nội dung "Chấm dứt tham nhũng," và "Hãy từ chức!"...

Trong khi đó, khoảng 30.000 người cũng tham gia xuống đường tại các thành phố lớn khác như Cluj, Timisoara và Sibiu. nhằm gia tăng sức ép đối với chính phủ Romania trong đợt biểu tình có quy mô lớn nhất tại quốc gia vùng phía Nam dãy núi Karpat này trong gần 30 năm qua.

Các cuộc biểu tình chưa có dấu hiệu sẽ giảm bớt bất chấp việc Thủ tướng Sorin Grindeanu ngày 5/2 đã phải tuyên bố hủy bỏ các sắc lệnh gây nhiều tranh cãi về miễn truy tố đối với các tội tham nhũng với số tiền dưới 44.000 euro (47.500 USD) và trả tự do sớm cho một loạt chính trị gia bị cáo buộc lợi dụng chức vụ gây thất thoát tài sản nhà nước. Nếu các sắc lệnh này được thông qua, trong danh sách các quan chức thoát án tham nhũng sẽ có cả lãnh đạo đảng PSD cầm quyền, ông Liviu Dragnea, người đang bị xét xử với cáo buộc lạm dụng chức quyền gây thất thoát khoảng 24.000 euro.

Người biểu tình Romania cho biết họ đã mất "hoàn toàn niềm tin" vào chính phủ hiện tại và muốn có một cuộc bầu cử sớm, ngay cả sau khi các sắc lệnh nói trên đã bị hủy bỏ và Bộ trưởng Tư pháp Florin Iordache phải từ chức trong nỗ lực nhằm xoa dịu dư luận trong và ngoài nước.

Romania gia nhập Liên minh châu Âu (EU) năm 2007 và luôn phải chịu sức ép từ Brussels về những tiến bộ chậm chạp trong cuộc chiến chống tham nhũng và tội phạm có tổ chức. Tổ chức Minh bạch quốc tế xếp Romania đứng gần cuối bảng (thứ 25) trong danh sách 28 nước thành viên EU về cam kết chống tham nhũng trong báo cáo của tổ chức này đầu năm nay. Xét trên phạm vi toàn thế giới, Romania đứng thứ 57./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục