Người chiến sỹ Trường Sơn lái xe vượt "mưa bom bão đạn" năm xưa

Có lần, một chiếc xe chở quân lương dính bom, chỉ huy Nguyễn Quang Hạnh đã lái chiếc xe đang bốc cháy ra khỏi cung đường để đoàn xe tiếp tục hành trình chi viện cho chiến trường miền Nam.
Người chiến sỹ Trường Sơn lái xe vượt "mưa bom bão đạn" năm xưa ảnh 1Đoàn xe vận tải quân lương, vũ khí nối đuôi nhau vào chiến trường trên tuyến đường qua ngã ba Đồng Lộc, Hà Tĩnh. (Ảnh: Văn Sắc/TTXVN)

Ông Nguyễn Quang Hạnh ở xã Hải Đường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, nguyên là chiến sỹ lái xe Đoàn 559, từng trực tiếp tham gia vận chuyển hàng hóa, vũ khí, quân lương từ hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam vào những năm ác liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

Thời gian đã trôi qua song ký ức về những năm tháng cùng đoàn xe vượt qua "mưa bom, bão đạn" trên cung đường Trường Sơn huyền thoại vẫn mãi in đậm trong tâm trí ông...

Năm 1965, khi đang làm việc tại Hợp tác xã Nông nghiệp Vũ Đệ (xã Hải Đường, huyện Hải Hậu), hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” và nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Nguyễn Quang Hạnh đã lên đường nhập ngũ.

Sau 6 tháng huấn luyện, ông được điều về công tác tại Đại đội công binh 31, Tiểu đoàn 15, Sư đoàn 312. Tháng 7/1967, ông Hạnh được biên chế về Đoàn 559 (Đ oàn vận tải thuộc Bộ Quốc phòng), công tác tại Binh trạm 35, Đại đội 1, Tiểu đoàn 59, Sư đoàn 312, trở thành người lính lái xe Trường Sơn, vừa trực tiếp tham gia lái xe, vừa chỉ huy đoàn xe vận chuyển hàng hóa vào miền Nam.

Đường Trường Sơn là tuyến vận tải chiến lược nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thời kỳ đó, đường 9 Khe Sanh sang Lào (phía Tây Trường Sơn) là cung đường ông Hạnh cùng đồng đội vận chuyển hàng hóa, quân lương, nhu yếu phẩm, vũ khí phục vụ chiến đấu.

Ông Hạnh kể, bình thường, một đại đội lúc bấy giờ chỉ có 36 xe, nhưng khi đó ông được giao quản lý 100 xe vận chuyển quân lương, vũ khí, hàng hóa từ Quảng Bình về điểm tập kết, giao hàng trên đất bạn Lào.

Hoạt động trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, địa bàn hiểm trở, thêm vào đó để đảm bảo bí mật, tránh bị địch phát hiện, ông cùng đồng đội phải thực hiện phương châm “xa dân, lánh địch” nên hoạt động hậu cần vận chuyển gặp muôn vàn khó khăn.

Gắn bó với những cung đường Trường Sơn, ông Hạnh có nhiều kỷ niệm không thể nào quên. Năm 1967, trên đường vận chuyển, một xe kéo pháo của ta bị máy bay địch bắn cháy, ông đã dũng cảm lao vào dập lửa và cõng 2 đồng đội bị thương về nơi an toàn.

Mùa khô năm 1968, trên quảng đường dài hơn 100km, ông là chiến sỹ đầu tiên đạt kỷ lục vận chuyển cao nhất của đơn vị.

Tháng 3/1969, trong một đợt vận chuyển hàng vào Nam, khi đoàn xe đang chạy thì bị quân địch tập kích, lái xe đi đầu bị thương, ông Hạnh đã xung phong lái chiếc xe đó để thông đường.

Khi xe chạy được một đoạn, có 6 quả bom nổ xung quanh nhưng ông không nao núng, vẫn chắc tay lái dẫn đường cho cả đoàn gồm 19 chiếc xe đến bãi tập kết an toàn.

Sự gan dạ, dũng cảm của ông Hạnh đã nhiều lần cứu đoàn xe thoát khỏi sự theo dõi và những trận tập kích của địch.

Ngày 25/11/1972, ông nhận nhiệm vụ chỉ huy đoàn xe gồm 36 chiếc chở gạo, quân lương, vũ khí từ Quảng Bình qua đường 9 Nam Lào đi vào đường 24 kéo dài. Khi đoàn xe chạy đến ngã 3 Lùm Bùm (trên đất Lào), chiếc xe chở gạo đi đầu dính bom của địch, bình xăng ở hông xe bắt đầu bốc cháy. Lái xe dừng lại và nhảy ra ngoài.

Lúc bấy giờ, nhận được tin báo, ông đang ở giữa đoàn xe liền chạy lên phía trên, nhanh chóng trèo lên buồng lái điều khiển chiếc xe đang cháy chạy tránh sang một nhánh đường khác cách đó hơn 1km.

Khi lửa cháy lớn, ông nhảy ra ngoài, ngay sau đó thì xe phát nổ. Lúc đó, quân địch nghĩ rằng đoàn xe của ta đã bị trúng bom nên tập trung đánh phá rất ác liệt.

Ông Hạnh nhanh chóng quay lại đường chính tiếp tục chỉ huy 35 chiếc xe còn lại về điểm tập kết an toàn.

Năm 1973, ông Nguyễn Quang Hạnh được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì có nhiều thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Năm 1975, ông Hạnh chuyển công tác về một số đơn vị, sau đó làm Giám đốc Xí nghiệp cung ứng vật tư vận tải đường bộ (thuộc Bộ Quốc phòng).

Ở lĩnh vực, vị trí công tác nào, ông cũng luôn thể hiện phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, khắc phục khó khăn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, có nhiều sáng kiến, giải pháp kỹ thuật mang lại lợi ích lớn cho đơn vị.

Năm 1995, ông về nghỉ chế độ tại quê nhà, tích cực tham gia công việc đoàn thể tại địa phương, nhiệt tình trong các hoạt động của Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sơn tỉnh Nam Định.

Có thể nói, ký ức về cuộc đời binh nghiệp gắn với những cung đường Trường Sơn huyền thoại của ông Nguyễn Quang Hạnh là minh chứng thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của các thế hệ đi trước vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Câu chuyện của ông đã giúp cho thể hệ trẻ hôm nay hiểu thêm giá trị của cuộc sống hòa bình, từ đó sống có trách nhiệm với bản thân, nỗ lực học tập, rèn luyện để góp sức xây dựng quê hương, đất nước./.  

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục