Người dân cao nguyên đá vẫn sống bằng… niềm hy vọng

Bài 2: Người dân cao nguyên đá vẫn sống bằng… niềm hy vọng

Để “cứu khát” cho đồng bào Cao nguyên đá Đồng Văn, nhiều công trình chứa nước đã được triển khai và đưa vào sử dụng, thế nhưng cứ vào mùa khô, người dân nơi đây lại phải sống với cảnh "khát" nước.
Bài 2: Người dân cao nguyên đá vẫn sống bằng… niềm hy vọng ảnh 1Những chiếc hồ treo hiếm hoi này được xem là giải pháp "cứu khát" cho đồng bào Cao nguyên đá Đồng Văn trong những năm qua. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Từ nhiều năm nay, tình trạng khan hiếm nước trên Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đã không còn là “chuyện riêng” của tỉnh Hà Giang. Để “cứu khát,” nhiều công trình chứa nước cũng đã được triển khai và đưa vào sử dụng, thế nhưng thực tế thiếu nước vào mỗi mùa khô vẫn còn đó “những câu chuyện buồn.”


"Chúng tôi khổ lắm rồi"

Thực hiện chương trình 134, tỉnh Hà Giang đã tiến hành xây dựng hơn 3.000 bể nước mưa, lu chứa nước, hệ thống dẫn nước tự chảy, 152 công trình nước sinh hoạt tập trung. Trong chuyến thăm và làm việc tại Hà Giang vào tháng 3/2007, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã quyết định đầu tư cho địa phương này 30 hồ chứa nước (tổng kinh phí 137 tỷ đồng), với hi vọng “cứu khát” cho hàng ngàn hộ dân vùng “sơn nguyên đá.”

Cho đến nay, những công trình cung cấp nước đã phần nào giải quyết được tình trạng “khát” nước cho người dân. Tuy nhiên, do dung tích hồ chứa nhỏ, khả năng trữ nước trên núi đá kém, trong khi các hồ treo phải phụ thuộc vào mùa mưa mới có nước, nên tình trạng khan hiếm nguồn nước vẫn diễn ra trong mỗi mùa khô.

Theo ghi nhận của phóng viên VietnamPlus, vào những ngày giữa tháng Ba, các hồ treo nằm vắt vẻo trên các sườn đồi của vùng cao nguyên đá đều đã cạn nước, một số hồ treo khô đáy, chỉ còn lại những vạt rêu xanh. Xa xa giữa những hẻm đá, sườn núi, những người nông dân bé nhỏ vẫn phải lùi lũi gùi can đi vào rừng tìm từng giọt nước.

“Ở vùng cao nguyên đá này, người dân nghèo chúng tôi chỉ cần có nước thôi. Hàng chục năm qua thiếu nước, chúng tôi khổ lắm rồi,” anh Thọ Mi Dính, ở xã Pả Vi (huyện Mèo Vạc) rầu rĩ nói.

Chứng kiến cảnh khát của người dân qua báo chí, nhiều cơ quan nghiên cứu về nước và chuyên gia khoa học cũng đã lên Đồng Văn “ăn nằm” với từng núi đá để tìm ra mạch nước ngầm hiếm hoi trong lòng công viên địa chất toàn cầu.

Sau một thời gian dài nghiên cứu, tìm kiếm, cuối cùng, các chuyên gia về nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã tìm ra 23 lỗ khoan với tổng lưu lượng lên tới hơn 9.000 m3/ngày đêm. Tin vui này đã đem đến cho chính quyền và đồng bào các dân tộc sống trên vùng cao núi đá này những hy vọng về một tương lai… thoát “khát.”

Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, đồng bào “vương quốc đá” lại phải chấp nhận sống cảnh khát nước, bởi đến nay các lỗ khoan còn lại vẫn chưa được đầu tư khai thác.

Bài 2: Người dân cao nguyên đá vẫn sống bằng… niềm hy vọng ảnh 2Các chuyên gia thủy văn của Đức nghiên cứu nguồn nước tại hồ Thủy điện Séo Hồ để triển khai thí điểm Dự án Kawa Tech. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Niềm hy vọng Kawa Tech

Quyết tâm “cứu khát” cho đồng bào, hiện nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang đang tiếp tục phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cùng với nhóm chuyên gia Đức đang nghiên cứu, triển khai thí điểm Dự án “Hợp tác Việt-Đức về phát triển và khai thác công nghệ sử dụng nước bền vững cho vùng núi đá vôi (Kawa Tech).”

Dự án Kawa Tech là một phần trong chương trình hợp tác giữa 2 Chính phủ Việt Nam và Đức, được triển khai tại tại Trạm Thủy điện Séo Hồ (Hà Giang), nhằm nghiên cứu triển khai công nghệ khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước ở các vùng núi đá vôi từ đó đưa ra giải pháp cấp nước bền vững cho người dân trong vùng Cao nguyên đá Đồng Văn.

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus về quy trình hoạt động của dự án Kawa Tech, ông Phạm Minh Giang, Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Hà Giang cho biết, dự án này được lập trên nguyên lý dùng sức chảy của dòng suối tạo ra điện vận hành bơm máy để đẩy nước lên cao, sau đó từ bể cao nước sẽ được đưa về khu dân cư theo nguyên lý áp lực.

“Để triển khai Dự án Kawa Tech này, các bên sẽ tiến hành cải tạo lại Trạm Thủy điện Séo Hồ (Đồng Văn) đồng thời xây dựng hệ thống ống dẫn nước và các bể chứa. Hiện nay, các chuyên gia thủy văn của Đức và Viện Địa chất-Khoáng sản cũng đang nghiên cứu. Dự kiến, dự án này sẽ bắt đầu được triển khai vào giữa năm 2015,” ông Giang thông tin thêm.

Ở góc độ cơ quan nghiên cứu, tiến sỹ Lê Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Khoa học Công nghệ) cho biết, vấn đề cấp nước được xem là một trong những tiêu chí quan trọng nhất trong chiến lược phát triển bền vững ở vùng núi đá vôi của Việt Nam, trong đó cao nguyên đá Đồng Văn là một khu vực điển hình.

“Bởi vậy, chúng tôi mong muốn dự án Kawa Tech sẽ mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, để triển khai thành công và bền vững về lâu dài, dự án này cần phải được thẩm định, khâu thiết kế cũng cần đảm bảo, tránh tình trạng sau khi lắp đặt, vận hành, phần đường ống nó lại vỡ như đường dẫn nước sông Đà thì nguy!,” ông Bình lưu ý./.


Bài 3: Hồi sinh từ nguồn nước trong các hang động?

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục