Người dân đội mưa, “tới bến” trong ngày đầu nới giờ kinh doanh

Bất chấp cơn mưa tầm tã kéo dài từ tối 1/9, trên một số tuyến phố cổ, người dân vẫn đội mưa để “tới bến” cùng Hà Nội trong ngày đầu tiên thực hiện thí điểm chính sách nới giờ hoạt động kinh doanh.
Người dân đội mưa, “tới bến” trong ngày đầu nới giờ kinh doanh ảnh 1Hà Nội trong ngày đầu tiên thực hiện thí điểm chính sách nới giờ hoạt động kinh doanh lên 2 giờ sáng. (Ảnh: Võ Phương/Vietnam+)

Phố cổ “tới bến”

Bất chấp cơn mưa tầm tã kéo dài từ tối 1/9, trên một số tuyến phố cổ Hà Nội, người dân vẫn quyết đội mưa để “tới bến” cùng Hà Nội trong ngày đầu tiên thực hiện thí điểm chính sách nới giờ hoạt động kinh doanh lên 2 giờ sáng.

Dù chính sách nới giờ kinh doanh tới 2 giờ sáng được áp dụng cho toàn địa bàn quận Hoàn Kiếm, tuy nhiên, không khí nhộn nhịp chủ yếu tập trung trên các tuyến phố cổ như: Hàng Buồm, Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến, Mã Mây.

Người dân đội mưa, “tới bến” trong ngày đầu nới giờ kinh doanh ảnh 2Mưa gió không cản được sự hưng phấn của người dân trong ngày đầu được... thức và ăn đêm đến 2 giờ sáng. (Ảnh: Võ Phương/Vietnam+)

0 giờ sáng 2/9, tuyến phố Tạ Hiện nô nức cả du khách nước ngoài lẫn Việt Nam. Họ ngồi kín các quán bia, nhà hàng; tụ tập, ra vào trước cửa những quán bar hoặc tản bộ dọc con phố. Nếu như trước đây, khoảng thời gian này, họ phải tiếc nuối chia tay nhau ra về do chính sách chỉ cho phép hoạt động đến nửa đêm, thì nay, dù khoảng thời gian nới thêm chỉ 2 tiếng, nhưng cũng khiến các du khách vô cùng phấn khởi.

Anh Jeremy (quốc tịch Anh) đến với Hà Nội lần thứ 3, các lần trước, anh đều phải ra về từ 11 giờ, nên cảm giác rất hụt hẫng, để được tiếp tục tụ tập cùng bạn bè, vị khách này đành phải tới các cửa hàng tiện ích 24 giờ.

“Nhưng hôm nay, khi biết không phải lo lắng về thời gian nữa, tôi rất phấn khích”, chàng trai trẻ thể hiện cảm xúc của mình bằng việc cụng chai bia trên tay với người bạn, sau đó khoác vai nhau lẫn vào đám đông.

Cùng chung suy nghĩ với Jeremy, chị Mỹ Linh (22 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: mình và các bạn khi nghe tin Hà Nội được “thức” đến 2 giờ đều rất hào hứng nên quyết tâm dù mưa cũng phải lên phố cổ “tới bến” đêm nay.

Chú Toản, một người dân chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội sinh sống được vài năm hồ hởi: “Tôi ở trong kia, đêm đêm thường ngồi phố Bùi Viện, khung cảnh phố cổ hôm nay làm tôi rất nhớ con phố đó”.

Theo những người dân sinh sống, kinh doanh tại đây: không khí trên phố ban đầu được dự đoán sẽ náo nhiệt hơn rất nhiều nếu không có cơn mưa kéo dài từ tối, và chắc chắn nếu 3 ngày cuối tuần tới đây, nếu thời tiết thuận lợi, những tuyến phố cổ trung tâm sẽ có những đêm không ngủ thực sự.

Trái với lo lắng của dư luận về việc khi nới giờ hoạt động kinh doanh, nhiều hộ dân sẽ bị ảnh hưởng, thì thực tế, người dân sinh sống trên các tuyến phố, dù không có hoạt động kinh doanh ban đêm, nhưng cũng rất đồng tình với chính sách.

Bà Hạnh, sống tại phố Hành Buồm chia sẻ: "Tôi sống tại con phố này nhiều năm qua, cũng quen với sự xuất hiện của khách du lịch nước ngoài và quan sát thấy họ rất thất vọng khi cứ đến 11 giờ phải tiếc nuối đi về, nên tôi nghĩ, nếu các nhà hàng, quán bar chấp hành đúng quy định, không làm ảnh hưởng đến các hộ xung quanh thì nên cho họ mở muộn thế này, thậm chí muộn hơn cũng được."

Cơ hội cho tất cả

Dù được mở khuya, nhưng theo một số chủ quán bia tại phố Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến: doanh thu tăng thêm từ việc được mở thêm 2 tiếng không đáng bao nhiêu.

Theo lý giải của một chủ quán bia trên phố Tạ Hiện, thói quen của khách nước ngoài là đôi khi chỉ có 1 chai bia, 1 đĩa lạc, họ có thể ngồi cả một buổi tối và thông thường, rất ít khi gọi thêm. Thói quen này vô tình đẩy các quán hàng vào thế khó.

“Mở đêm, mình phải tăng thêm chi phí cho nhân viên, rồi rất nhiều chi phí khác, còn khách vẫn là những khách ngồi cả tối, mình không thể mời khách đứng dậy, không ai làm thế cả, khách ngồi thêm thì hên xui. Nên nói mở muộn hơn để tăng thu nhập thì chưa chắc”, chủ quán chia sẻ.

Có lẽ, bên cạnh nguyên do về vấn đề thiếu điều kiện để hoạt động kinn doanh ban đêm, doanh thu cũng là trở ngại khiến nhiều hộ kinh doanh không mặn mà với chính sách này.

Tuy nhiên, gác lại vấn đề doanh thu, hầu hết các chủ quán đều đồng tình với chính sách nới giờ mở cửa và cho rằng: việc phố cổ hoạt động khuya hơn sẽ góp phần làm cho Thủ Đô trở nên hút khách du lịch hơn. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, chính sách trên rất có lợi cho các quán hàng vốn “lép vế” hơn vào thời gian bình thường tìm kiếm thêm khách cho mình.

Người dân đội mưa, “tới bến” trong ngày đầu nới giờ kinh doanh ảnh 3Các quán Bar nhộn nhịp trong ngày đầu thực hiện việc nới giờ kinh doanh. (Ảnh: Võ Phương/Vietnam+)

Hứng khởi nhất, phải nói tới các quán bar, bởi đắc thù các điểm kinh doanh quán bar là âm nhạc. Nếu như trước đây, khoảng 10 giờ 30 đến 11 giờ, các quán bar đều phải “xuống nhạc”, đóng cửa hoặc hoạt động “chui”, thì nay họ có thể thoải mái phục vụ khách. Ghi nhận tại quán bar 1900 trên phố Tạ Hiện, dù đã 1 giờ sáng, nhưng quán bar này vẫn rất nhộn nhịp, đông đúc khách ra vào, tụ tập. Bar, club có lẽ là hoạt động kinh doanh được trông đợi nhiều nhất khi chính sách nới giờ kinh doanh đi vào thực tế.

Cùng với các quán bar, nhà hàng, nhiều hoạt động kinh doanh khác cũng được hưởng lợi, từ dịch vụ taxi, xíchlô, đến đồ ăn, đồ uống dạo, cửa hàng tiện lợi ..v.v.. Có thể nói, chính sách nới thời gian kinh doanh đã tạo ra cơ hội tăng thu nhập cho nhiều ngành nghề, tạo được sự ủng hộ từ xã hội.

Không quá náo nhiệt, nhưng bầu không khí hứng khởi tại khu vực phố cổ trong ngày đầu tiên thực hiện thí điểm nới giờ kinh doanh lên 2 giờ sáng đã bước đầu tạo ra cảnh quan rất tích cực cho Thủ đô, đáng để kỳ vọng trong thời gian tới.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục