Người dân Hà Nội nô nức ra đường chờ đợi thời khắc giao thừa

Người dân Hà Nội vẫn nô nức cùng nhau đổ ra đường để tận hưởng cảm giác náo nhiệt thời khắc chia tay năm cũ, đón năm mới.
Người dân Hà Nội nô nức ra đường chờ đợi thời khắc giao thừa ảnh 1Bất chấp giá lạnh, người dân Hà Nội vẫn nô nức ra đường chờ đợi thời khắc giao thừa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ngày cuối cùng của năm Ất Mùi, trái ngược với thời tiết nắng đẹp ban ngày, buổi tối, nền nhiệt độ tại Thủ đô xuống thấp, trả lại bầu không khí lạnh giá của mùa Đông. Tuy vậy, người dân Hà Nội vẫn nô nức cùng nhau đổ ra đường để tận hưởng cảm giác náo nhiệt thời khắc chia tay năm cũ, đón năm mới.

Từ rất sớm, người dân Thủ Đô đã rục rịch đổ về những tuyến phố trung tâm như Bà Triệu, Tràng Tiền, Đinh Tiên Hoàng, họ gấp gáp tìm kiếm cho mình một vị trí đẹp để ngắm pháo hoa. Khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm đã được sắp xếp thành phố đi bộ, lực lượng cảnh sát giao thông và các đơn vị chức năng liên quan đã tổ chức phân làn, phân luồng giao thông, bảo đảm các phương tiện ổn định lưu thông đêm giao thừa.

Các quán càphê trên những tuyến phố bao quanh khu vực bắn pháo hoa đều đã rất nhộn nhịp. Như mọi năm, quán càphê của anh Nam (phố Hàng Khay, Hoàn Kiếm) đã có hết sạch “chỗ đẹp” từ trước Tết, anh cho hay: “Quán anh năm nào cũng có người đặt chỗ từ rất sớm, bởi chỗ ngồi đẹp, lại thoáng, xem được trọn vẹn màn pháo hoa.

Các quán càphê khắp khu vực trên đều trong tình trạng được đặt hết chỗ từ rất sớm. Không chọn hàng quán có chỗ “đẹp”, anh Hoan (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) quyết định cùng gia đình hòa vào dòng người đông đúc ở Hồ Gươm để xem pháo hoa và đón năm mới: “Thành thói quen rồi, ba, bốn năm nay, cứ sau khi ăn xong bữa cơm tất niên, mình và vợ lại sửa soạn cùng hai cháu đi lên phố, gửi xe ở nhà họ hàng ngay phố Tràng Thi rồi khẩn trương đi ra ngay đây cho yên tâm,” Anh Hoan hồ hởi kể.

Cũng như mọi năm, các sân khấu trình diễn nghệ thuật được dựng lên tại nhiều nơi là địa điểm hút khách nhất. Các chương trình biểu diễn đa dạng, đầy màu sắc năm nào cũng thu hút của người dân. Từ 9 giờ tối, khu vực bắn pháo hoa đã bắt đầu trở nên sôi động, rực rỡ bởi ánh sáng, âm thanh từ các địa điểm biểu diễn.

Đối với người dân, các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật đêm giao thừa vừa giúp họ giải trí, vừa giúp quên đi khoảng thời gian chờ đợi màn pháo hoa. Trong dòng người nô nức đổ về Hồ Hoàn Kiếm để xem màn pháo hoa đón Năm mới, có rất nhiều người nước ngoài, họ, dù đã, đang sinh sống tại Việt Nam một thời gian, hay chỉ đơn thuần là khách du lịch, đều có chung một tâm trạng háo hức không khác gì người dân bản xứ.

Xiết chặt tay người chồng ngoại quốc của mình, chị Tô Thu Trà (Đống Đa, Hà Nội) len lỏi vào dòng người đông đúc, cố tìm một vị trí đẹp để hai vợ chồng đứng xem pháo hoa.

Đây là lần thứ 4 anh Dale Watkins (người Mỹ), chồng chị đón Tết tại Việt Nam, tuy nhiên, lại mới chỉ là lần đầu tiên anh đi xem pháo hoa, theo truyền thống gia đình của cô vợ mới cưới. “3 lần trước, vì nhiều lý do, mình đã phải bỏ lỡ màn pháo hoa giao thừa ở Thành phố Hồ Chí Minh, năm nay là năm đầu tiên mình và Trà về với nhau, lại là lần đầu được xem pháo hoa, rất háo hức, nhưng chờ lì xì sau giao thừa còn háo hức hơn,” anh Dale cười tươi chia sẻ.

Mỗi người tới từ một nơi, với những câu chuyện khác nhau nhưng hôm nay họ sẽ cùng nhau chia sẻ một niềm vui lớn, cùng nhau chờ đợi thời khắc giao thừa và gửi tới nhau những lời chúc hạnh phúc đón chào tết Bính Thân 2016./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục