Người dân Nga sẽ được ngắm quả bom hạt nhân mạnh nhất lịch sử

Người dân thủ đô Moskva của Nga sẽ có cơ hội được ngắm nhìn một mô hình có kích cỡ tương đương với quả bom nguyên tử mạnh nhất trong lịch sử.
Người dân Nga sẽ được ngắm quả bom hạt nhân mạnh nhất lịch sử ảnh 1(Nguồn: rt.com)

Người dân thủ đô Moskva của Nga sẽ có cơ hội được ngắm nhìn một mô hình có kích cỡ tương đương với quả bom nguyên tử mạnh nhất trong lịch sử.

Cụ thể, một mô hình bom Tsar Bomba sẽ được trưng bày ở một cuộc triển lãm về lịch sử tại trái tim của nước Nga.

Cuộc triển lãm diễn ra nhân lễ kỷ niệm 70 năm hoạt động phát triển vũ khí hạt nhân của Nga và sẽ kéo dài từ ngày 1-29/9 tại Hội chợ triển lãm Manege, nằm ngay bên cạnh Kremlin và Quảng trường Đỏ.

“Điểm nhấn chính của cuộc triển lãm sẽ là quả bom nhiệt hạch huyền thoại AN602, hay Kuzkina Mat, tên gọi khác của Tsar Bomba," công ty hạt nhân nhà nước Rosatom, nơi tổ chức cuộc triển lãm, cho biết.

Mô hình sau đó sẽ được chuyển tới thành phố Sarov, nằm cách phía Đông Moskva 400km. Sarov là nơi đặt Trung tâm hạt nhân liên bang Nga.

Du khách cũng sẽ có cơ hội được nhìn thấy các tài liệu và hiện vật đặc biệt, cho thây quá trình phát triển các vũ khí nguyên tử, với nhiều hiện vật mới lần đầu được công bố.

Tsar Bomba là quả bom khinh khí mạnh nhất từng được kích nổ.

Sức mạnh của vụ nổ vượt quá số lượng của tất cả các loại chất nổ từng được các nước sử dụng trong Thế chiến II. Năng lượng mà vụ nổ giải phóng lớn hơn 3.800 lần so với quả bom Fat Man từng nổ trên bầu trời thành phố Nagasaki.

Trong ngày 30/10/1961, một chiếc máy bay ném bom chiến lược Tu-95 được trang bị lớp bảo vệ đặc biệt màu trắng, đã ném quả bom xuống một điểm thử nghiệm tại Quần đảo Novaya Zemlya ở Bắc Băng Dương.

Quả bom được thả bằng dù từ độ cao 10.500​m để chiếc máy bay và phòng nghiên cứu đặt trên nó có đủ thời gian - 188 giây - rời khỏi khu vực nguy hiểm.

Quả bom đã được kích nổ ở độ cao 4.200​m. Vụ nổ được ước lượng có sức mạnh khoảng 51,5 megaton.

Một trong các nhóm tham gia cuộc thử nghiệm, nằm cách tâm nổ tới 320km, đã thấy một ánh chớp sáng lòa hiện lên, ngay cả khi họ đã đeo kính tối màu.

Đội quay phim trên chiếc Tu-95 đã mang quả bom, được giao cho trách nhiệm thực hiện phim tài liệu, cũng nhớ lại: "Bên ngoài có một đại dương ánh sáng đột ngột xuất hiện. Khi chiếc máy bay của chúng tôi chui khỏi mây, có thể thấy một quả cầu lửa màu cam sáng đã xuất hiện. Trông nó như sao Mộc, mạnh mẽ và tự tin tới mức cao ngạo, chậm chạp và lặng lẽ bò lên cao."

Quả cầu lửa mà quả bom tạo ra có đường kính 4,6​m, có thể quan sát được từ khoảng cách 1.000km bất chấp việc bị mây che phủ. Đám mây bụi hình thành từ quả bom cao tới 67km, có đường kính 95km.

Trong 40 phút sau vụ nổ, nhiễu tín hiệu vô tuyến đã xuất hiện trong một khu vực cách tân vụ nổ tới hàng trăm km, do tình trạng ion hóa bầu khí quyển.

Sóng chấn động hình thành từ vụ nổ đã chạy ba vòng quanh Trái ​Đất. Tại đảo Dikson, nằm cách điểm thử nghiệm tới 800km, sóng chấn động vẫn đủ mạnh để thổi tung các cửa sổ và khiến người dân kinh hoảng vì tiếng nổ khủng khiếp đi kèm với nó./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục