Người đàn ông khuyết tật 20 năm cần mẫn chế xe cho người cùng cảnh ngộ

Khu tập thể B15 Kim Liên (Hà Nội) là nơi sinh sống của ông Nguyễn Trung, người khuyết tật hai chân với công việc chế tạo xe lăn giá rẻ cho những người cùng cảnh ngộ đã ngót nghét gần 20 năm nay.
Người đàn ông khuyết tật 20 năm cần mẫn chế xe cho người cùng cảnh ngộ ảnh 1Công việc hàng ngày của ông Nguyễn Trung là chế tạo những chiếc xe lăn giá rẻ cho người khuyết tật. (Ảnh: Thanh Huyền/Vietnam+)

Ông Nguyễn Trung sinh ra tại Điện Bàn (Quảng Nam) nhưng theo gia đình tập kết ra Bắc và sinh sống tại Hà Nội từ nhỏ. Năm 2 tuổi, chứng bệnh bại liệt đã cướp đi khả năng vận động của ông. Kể từ đó, cuộc sống của ông Trung gắn liền với những chiếc xe lăn. Trong kí ức của mình, ông Trung vẫn còn nhớ rõ chiếc xe lắc tay gắn với tuổi thơ được cha mình đặt làm tại một xưởng máy trên phố Quỳnh Lôi. Đó cũng là chiếc xe đầu tiên gắn bó với ông.

Năm 1997, ông tốt nghiệp khoa tiếng Nga, Đại học Ngoại Ngữ (nay là Đại học Hà Nội). Những năm sau tốt nghiệp thời buổi kinh tế khó khăn, tấm bằng đại học tiếng Nga không giúp ông xin được việc làm. Ông phải làm nhiều nghề để kiếm sống: sửa chữa máy khâu, máy đánh chữ, dịch sách tài liệu tiếng Nga (đã từng dịch cho Nhà Xuất bản Kim Đồng, Nhà Xuất bản Thanh Niên....).

Năm 1978, ông được nhận vào làm tại Học viện Ngoại giao với vị trí biên tập viên cho tạp chí Nghiên cứu Quốc tế của Học viện.

Gắn bó với chiếc xe lăn như một vật bất ly thân, ông Trung hiểu được sự quan trọng của chiếc xe lăn đối với cuộc sống của mỗi người khuyết tật. Ngay từ nhỏ, ông Trung đã có thể tự sửa xe lăn cho chính mình bởi những kiến thức sửa chữa đơn giản ông học từ người cha. Lớn lên chứng kiến nhiều người khuyết tật có cuộc sống khó khăn phải mua xe lăn với giá thành cao, ông Trung đã ấp ủ việc tự chế tạo xe lăn, vừa có giá trị sử dụng mà lại tiết kiệm chi phí.

Năm 1996, Tổ chức phúc lợi xã hội Asahi Shymbun của Nhật Bản tổ chức một dự án với tên gọi "Người đi xe lăn sản xuất xe lăn" với mục đích tập huấn cho những người khuyết tật tại các nước: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Philippines, Bangladesh về bảo dưỡng và sửa chữa xe lăn. Nhờ sự giúp đỡ của ông Araishi và Công ty Kỹ thuật Xanh, ông Trung được cử sang tham gia buổi tập huấn tại Bangkok - Thái Lan . Lớp học này đã tạo những nền tảng kiến thức căn bản về xe lăn giúp ông Trung bắt tay vào làm những chiếc xe lăn đầu tiên.

Để tiết kiệm chi phí , ông Trung đã tận dụng những vật dụng của chiếc xe đạp cũ như vành, lốp, nan hoa, vòng bi....để người sử dụng có thể tự sửa chữa và dễ dàng mua phụ tùng thay thế.

Người đàn ông khuyết tật 20 năm cần mẫn chế xe cho người cùng cảnh ngộ ảnh 2Căn nhà nhỏ với hàng ngàn món đồ để chế tạo chiếc xe lăn giá rẻ của ông Trung. (Ảnh: Thanh Huyền/Vietnam+)

Trong quá trình sản xuất, vấn đề nguyên liệu cũng gây không ít khó khăn cho ông bởi rất khó để tìm những nguyên liệu có kích thước, hình dáng dành riêng cho xe lăn:như nhôm để dùng cho sinh hoạt rất phổ biến nhưng nhôm có kích thước phù hợp để làm xe lăn thì rất hiếm.

Ông Trung chia sẻ: Với mỗi khách hàng, ông đều nhìn vào khuyết tật của họ để thiết kế sao cho phù hợp và tiện sử dụng. Rất nhiều người khuyết tật vận động sử dụng xe lăn của ông đều hài lòng về sự tiện lợi, thiết kế phù hợp với từng đặc điểm khuyết tật của mỗi người (khác với hàng sản xuất đại trà), giá cả phải chăng.

Không chỉ nhận được đơn hàng của các cá nhân đơn lẻ, ông còn nhận được những đơn hàng số lượng lớn của Hội người Khuyết tật cũng như một số tổ chức nước ngoài.

Hiện tại, ông Trung vẫn tiếp tục công việc chế tạo xe lăn quen thuộc. Bên cạnh đó ông còn nhận dịch thêm tài liệu tiếng Anh, đảm nhận vai trò Phó ban Kiểm tra Hội người khuyết tật. Ông vẫn nói vui "Có tri thức mà không phát huy được cũng bức xúc lắm!".

Nói về mong ước trong tương lai của mình, ông Trung bộc bạch: Ông vẫn mong muốn mở rộng quy mô xưởng để nhận thêm đơn hàng, tạo công ăn việc làm cho những người khuyết tật cùng cảnh ngộ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục