Người dân Phù Vân khấm khá nhờ nghề trồng hoa

Những năm gần đây, đời sống của người dân xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đã được nâng cao đáng kể nhờ nghề trồng hoa.
Những năm gần đây, đời sống của người dân xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đã được nâng cao đáng kể vì người dân tìm được một hướng đi mới để phát triển kinh tế, đó là nghề trồng hoa.

Tết Nguyên đán sắp đến, người trồng hoa, bán hoa ở đây lại nhộn nhịp, tấp nập mua bán.

Đổi đời từ trồng hoa

Về làng hoa Phù Vân những ngày giáp Tết, đi từ đầu đến cuối làng, hai bên đường những nụ hoa cúc, hoa hồng... thi nhau đua sắc trong cái lạnh giá của mùa Đông.

Có tới 70% các hộ dân nơi này sống bằng nghề trồng hoa, trong đó, thôn 5 được coi là "vựa" hoa của xã vì chiếm tới gần 90% diện tích trồng hoa với trên 50ha đất trồng hoa quanh năm.

Trước đây, khi cây lúa cho năng suất không cao, người dân đã chuyển đổi sang trồng các loại hoa. Kể từ đó, mức sống đã tăng lên đáng kể, con em trong vùng được ăn học đầy đủ, nhiều gia đình có tiền cho con học lên cao đẳng, đại học.

Anh Nguyễn Văn Thiện, thôn 5, xã Phù Vân phấn khởi tâm sự: “Nhà tôi chuyển sang trồng cây hoa gần 10 năm nay rồi, chỉ để rất ít đất để cấy lúa ăn. Từ ngày chuyển sang trồng hoa đến nay gia đình tôi cũng khấm khá hơn hẳn, tuy vất vả nhưng cho thu nhập gấp 3 đến 4 lần so với cấy lúa."

Hoa ở Phù Vân khá đa dạng song chủ yếu vẫn là các loại hoa truyền thống, với giá cả phải chăng, dễ bán trên thị trường như hoa cúc, hoa hồng, hoa dơn...

Thị trường tiêu thụ chủ yếu là địa bàn tỉnh Hà Nam, đặc biệt là thành phố Phủ Lý.

Với đặc thù là một vùng chiêm trũng nên người trồng hoa ở đây vất vả hơn đối với các vùng khác, cây hoa cũng phải có chế độ chăm sóc tỉ mỉ hơn. Nếu bị ngập úng, nhiều gia đình có thể mất trắng cả ruộng hoa. Vì vậy, những người trồng hoa ở đây hiểu được hết những đặc thù của từng loại hoa để chọn những loại thích hợp cho vùng đất của mình.

Hướng đi mới cho làng hoa Phù Vân

Hiện nay, nhiều gia đình ở làng hoa Phù Vân có xu hướng phát triển mô hình trồng hoa công nghệ cao, mô hình nhà vườn, cho thu nhập cao hơn nhiều so với trồng hoa truyền thống. Những loại hoa được chọn để trồng hoa công nghệ cao là lưu ly, cẩm chướng, đồng tiền, phong lan... Mô hình này đòi hỏi phải có nhà lưới, các hệ thống tưới nhỏ giọt, sương, hệ thống chống úng... để đảm bảo cho cây hoa phát triển trong điều kiện tốt nhất.

Ngoài các thiết bị kỹ thuật, hàng năm, người dân phải đầu tư một khoản vốn rất lớn để mua giống.

Đi đầu về ứng dụng công nghệ này phải kể đến gia đình ông Nguyễn Bá Tăng, Thường trực Hội Sinh vật cảnh tỉnh Hà Nam, Chủ tịch hội sinh vật cảnh xã Phù Vân. Gia đình ông đã được Viện nghiên cứu Rau hoa quả trực tiếp hướng dẫn truyền đạt kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ về cách trồng hoa công nghệ cao.

“Gia đình tôi đã phải bỏ ra hơn 500 triệu đồng để san lấp, làm nhà lưới, kho lạnh hiện đại để trồng hoa. Trồng hoa công nghệ cao cho ra những lứa hoa tốt, đồng đều cả về hình thức lẫn chất lượng vì hoa này trồng trong nhà lưới, được chăm sóc, phun, bón đúng tiêu chuẩn nên hoa ít sâu bệnh, bớt được rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật, lại cho ra sản phẩm với giá thành cao,” ông Tăng cho biết.

Những năm gần đây, các loại hoa ly, phong lan được ưa chuộng, giá thành cao, đặc biệt vào các các dịp lễ tết. Ở Phù Vân có một số hộ trồng hơn 1 vạn cây ly, trừ tiền thuốc, giống công chăm sóc, dịp Tết này họ ước tính lãi khoảng 100 triệu đồng.

Hiện tại, ngoài các giống hoa phải nhập từ các tỉnh trong và ngoài nước, người trồng hoa Phù Vân đã biết ươm mầm, nhân giống cây hoa cúc cung cấp thị trường trong xã. Tuy vậy, lượng giống tự sản xuất mới đáp ứng được 1/3 nhu cầu cho người trồng hoa nơi đây.

Mong muốn xây dựng thương hiệu riêng cho làng hoa, người dân Phù Vân cũng mong muốn có đường giao thông thuận tiện, hệ thống tưới tiêu thuận lợi để phát triển làng hoa cũng như chăm sóc và cho ra đời nhiều loại hoa có chất lượng tốt./.

Đức Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục