Người dân quây trạm phí QL 5 đòi miễn, giảm mức "phí cắt cổ"

Người dân quây trạm phí Quốc lộ 5 đòi miễn, giảm mức "phí cắt cổ"

Nhiều người dân sinh sống quanh khu vực trạm thu phí số 2 trên Quốc lộ 5 đã tập hợp, quây trạm phí và đề nghị cần có chính sách miễn, giảm thu phí bởi giá cao, trạm phí án ngữ trước cổng vào xã.
Người dân quây trạm phí Quốc lộ 5 đòi miễn, giảm mức "phí cắt cổ" ảnh 1Người dân sinh sống gần trạm thu phí số 2 trên Quốc lộ 5 và đi lại thường xuyên cho rằng mức phí quá cao. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Nhiều người dân tại các xã Lê Thiện, Đại Bản (huyện An Dương, Hải Phòng) sinh sống quanh khu vực trạm thu phí số 2 trên Quốc lộ 5 đã tập hợp, quây trạm phí và đề nghị cần có chính sách miễn, giảm thu phí cho dân tại đây.

Có mặt tại trạm phí số 2, Quốc lộ 5 vào ngày 15/8, nhiều người dân đã đứng rất đông trước cổng trạm thu phí khi hay tin đoàn kiểm tra của Tổng cục Đường bộ Việt Nam bắt đầu giám sát về doanh thu thu phí trạm này (từ 15-24/8). Hàng chục phương tiện được đỗ dọc hành lang tuyến đường quanh khu vực trạm phí.

Chỉ ít phút sau, một chiếc xe taxi của hãng Trung Kiên có Biển kiểm soát 15A-09385 bất thình lình rồ ga, đi vào đường dành riêng cho xe máy, xe đạp, phương tiện thô sơ. Ngay lập tức, cán bộ nhân viên thu phí và lực lượng công an đã yêu cầu chủ xe lùi lại và đi đúng vào làn xe ôtô, mua phí để đi qua.

Tuy nhiên, dù đã chấp hành vào đúng làn mua phí nhưng tài xế xe này vẫn ngoan cố dừng đỗ trước trạm rất lâu và không chịu mua phí cho xe qua trạm với lý do sống ngay gần trạm phí, một ngày đi qua nhiều lần, trong khi mức phí quá cao mà không có chính sách miễn, giảm.

Cùng chung quan điểm này, ông Trần Văn Đoàn, thôn Dụ Nghĩa, xã Lê Thiện (An Dương, Hải Phòng) cho rằng, một số hộ dân sinh sống quanh khu vực trạm thu phí số 2 trên Quốc lộ 5 (Hà Nội-Hải Phòng) thường xuyên đi qua trạm phí này để đến các địa bàn lân cận.

Theo ông Đoàn, những tháng trước kia, người dân chủ yếu mua vé xe theo tháng, quý với mức giá hợp lý, phù hợp thu nhập. Tuy nhiên, kể từ khi mức phí trạm này tăng từ ngày 1/4 vừa qua, mọi nhu cầu đi lại của người dân đã bị xáo trộn bởi mức phí quá cao, trạm phí này lại “trấn thủ” ngay đầu xã Lê Thiện. Vì vậy, các xe của xã đều phải mua vé qua trạm này để đến các xã lân cận.

Trước thời điểm ngày 1/4, mức phí chỉ 10.000 đồng/xe thì hiện nay đã tăng tới 45.000 đồng/xe tiêu chuẩn (gấp 4,5 lần). Các xe đi qua trạm thu phí chủ yếu là xe nông cụ, xe chở thuê vật liệu cát của người lao động nghèo.

[Từ 1/4: Đồng loạt tăng phí cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, Quốc lộ 5]

“Một xe cát trước kia chỉ mất khoảng 130.000 đồng nhưng hiện nay nếu phải ‘cõng’ thêm mức phí ‘cắt cổ’ khiến chi phí chở hàng đội giá lên rất nhiều và không thể cạnh tranh được về giá cát với những địa bàn lân cận không đi qua trạm thu phí,” ông Đoàn thành thật nói.

Theo ông Đoàn, đa số các hộ dân trong xã, thậm chí cả chính quyền địa phương đã nhiều lần có đơn kiến nghị đơn vị quản lý khai thác thu phí là Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) giảm hoặc miễn phí cho người dân quanh trạm phí này. Tuy nhiên, đại diện đơn vị quản lý thu phí không giải quyết.

Anh Trần Mạnh Đạt, xã Đại Bản, An Dương, Hải Phòng cho biết, phương tiện ôtô đi qua trạm phí số 2 với mức giá cao (45.000 đồng/lượt/xe) tạo bức xúc cho người dân trong thời gian qua.

“Trước kia, mức phỉ chỉ 10.000 đồng, người dân đi qua vài lượt/ngày vẫn đóng đủ. Kể từ khi tăng phí, việc đưa đón con đi học cũng phải tính toán kỹ càng, chỉ hôm nào mưa gió, bão bùng thì mới dám chở con trên ‘xế hộp.’ Thậm chí, một số hộ dân đã phải bán xe vì phí cao, quá sức chịu đựng so với thu nhập từ chính chiếc ‘cần câu cơm’ của bà con sinh sống nơi đây,” anh Đạt bức xúc nói.

Là đơn vị quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, không chỉ trạm phí số 2 trên Quốc lộ 5 mà một số trạm phí BOT khác trên hệ thống Quốc lộ người dân xung quanh trạm phí cũng có tâm tư, nguyện vọng miễn, giảm phí.

Theo ông Cường, Thông tư 159 của Bộ Tài chính quy định xem xét người dân tham gia giao thông qua trạm bán vé tháng, quý và bình quân một ngày đi nhiều lần qua trạm nhưng cũng chỉ tính bằng 1 lần mệnh giá phí.

Hiện nay, Tổng cục và Bộ Giao thông Vận tải tiếp nhận, tập hợp các ý kiến, nguyện vọng nhân dân để cùng với các Bộ, ban ngành có kiến nghị lên Chính phủ cho sửa đổi Thông tư 159 đối với cá nhân, tổ chức sinh sống gần trạm thu phí để xây dựng mức phí phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

“Đến thời điểm này vẫn chưa sửa đổi được Thông tư 159 nên người dân cần thực hiện nghiêm các quy định pháp luật của Nhà nước,” vị Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ nhấn mạnh.

Trong 10 ngày giám sát trạm phí số 2 trên Quốc lộ 5, Tổng cục Đường bộ đề nghị người dân địa phương chấp hành đúng quy định về mua phí đường bộ để doanh thu của nhà đầu tư chính xác, giúp cho công tác giám sát, hậu kiểm của đoàn kiểm tra được công khai, minh bạch.

Phản bác lại quan điểm trên, các hộ dân tại xã Lê Thiện, Đại Bản đều đặt câu hỏi bây giờ Tổng cục Đường bộ mới tiếp nhận ý kiến vậy đến lúc nào mới có câu trả lời? Người dân cần có cơ chế cụ thể như miễn giảm thu phí sớm nhất cho bà con nơi đây vì phương tiện chiếm số ít và nhỏ lẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục