Người dân TP Hồ Chí Minh nỗ lực ứng biến với giá cả thị trường

Nhiều người dân đã cắt giảm các mặt hàng xa xỉ, chủ động tìm kiếm các sản phẩm có khuyến mại và chuyển sang mua sắm ở các siêu thị vì ở đây điều tiết giá tốt hơn chợ truyền thống.
Người dân TP Hồ Chí Minh nỗ lực ứng biến với giá cả thị trường ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Trần Việt/TTXVN)

Chỉ trong tháng Năm, mặt hàng xăng đã được điều chỉnh tăng hai đợt liên tiếp, cụ thể ngày 5/5 tăng thêm 1.950 đồng/lít và ngày 20/5 tăng thêm 1.200 đồng/lít.

Các đợt điều chỉnh giá của mặt hàng xăng đã tác động đến giá thành một số ngành hàng tiêu dùng thiết yếu tại Thành phố Hồ Chí Minh, gây khó khăn cho người dân trong việc ứng biến với giá cả thị trường, đảm bảo ổn định đời sống.

Thay đổi thói quen tiêu dùng

Ghi nhận tại các chợ bán lẻ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như Bến Thành, Bà Chiểu, Nguyễn Văn Trỗi, Hòa Hưng... sức mua khá yếu và không khí bán buôn kém sôi động so với trước.

Theo đại diện Ban Quản lý chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, chợ này chỉ nhộn nhịp vào thời gian cao điểm sáng hoặc chiều, còn lại trong ngày rất ít khách.

Những khu vực kinh doanh mặt hàng nhu yếu phẩm, đồ dùng gia đình, thực phẩm thiết yếu còn đạt được doanh số khả quan, một số ngành hàng gồm quần áo, túi xách, giày dép... buôn bán khá ế ẩm.

Tương tự, chị Hương Thảo, tiểu thương kinh doanh ngành hàng thực phẩm tại chợ Hòa Hưng, quận 10, cho biết, thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh của sạp được duy trì nhờ vào những khách hàng thân thiết, khách vãng lai khá thưa thớt.

Doanh số của hầu hết tiểu thương đều giảm sút do người tiêu dùng có xu hướng ăn ít mà ngon, giảm số lượng nâng chất lượng. Do đó, các tiểu thương phải đảm bảo hàng hóa chất lượng, cân đo đầy đủ với thái độ ân cần.

Hiện mặt hàng rau, củ quả có giá tăng cao là xà lách búp Đà Lạt 40.000 đồng/kg, bông cải xanh 35.000 đồng/kg, cải xanh 18.000 đồng/kg... Riêng ngành hàng thủy hải sản như cá, mực, tôm... tăng từ 10.000-15.000 đồng/kg, tùy theo loại.

Trao đổi với phóng viên, một số người tiêu dùng chia sẻ có xu hướng chuyển sang mua sắm tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhiều hơn là đi chợ truyền thống.

Ông Nguyễn Văn Sơn, cư ngụ tại quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, nguyên nhân chọn mua sắm ở siêu thị là do kênh kinh doanh này có những giải pháp điều tiết giá tốt hơn những kênh bán buôn khác.

Tuy giá cả hàng hóa trên thị trường tăng, nhưng nếu khéo chọn lựa thì người tiêu dùng vẫn mua sắm được mặt hàng có giá tốt tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Ngoài ra, người dân cũng có thể mua sắm và dự trữ những mặt hàng thiết yếu với giá thấp hơn giá thị trường nhờ vào chương trình khuyến mại theo mùa.

Nhận định về xu hướng chi tiêu cho thực phẩm, hàng hóa và hàng cá nhân của người tiêu dùng, bà Phạm Thị Mai Lan, Chuyên viên quản lý cấp cao, tư vấn nghiên cứu kinh doanh, Công ty tư vấn Neielsen Việt Nam, cho rằng thái độ phản ứng của người tiêu dùng Việt Nam trước việc tăng giá thực phẩm thường thấy là mua mặt hàng cần thiết, cắt giảm mặt hàng xa xỉ; chủ động tìm kiếm và mua sản phẩm được khuyến mại; chuyển sang những nhãn hiệu giá rẻ hơn...

Những đợt biến động giá cả thị trường không chỉ tác động trực tiếp đến người tiêu dùng mà còn tác động đến nhu cầu tiêu dùng, sức mua thị trường.

Chủ động kiểm soát giá

Những đợt tăng, giảm giá xăng dầu trong thời gian qua, đã có tác động rõ rệt đến giá cả một số ngành hàng, đặc biệt là những sản phẩm khó bảo quản, bán buôn trong ngày.

Theo các tiểu thương kinh doanh ngành hàng rau, củ quả, phản ánh, hiện nay chi phí vận chuyển hàng hóa thô thông thường tăng khoảng 30-50% so với trước khi giá tăng. Riêng đối với những sản phẩm công nghệ, đơn vị vận chuyển cũng muốn tăng thêm chi phí tương ứng với mức tăng của giá xăng.

Trước tình hình trên, các đơn vị kinh doanh phải tính những khoảng chi phí phát sinh này vào chi phí đầu vào của sản phẩm và điều chỉnh giá một số mặt hàng, nhưng hạn chế tăng giá để giữ chân khách hàng.

Đánh giá về tác động của việc tăng giá xăng, các doanh nghiệp sản xuất cho rằng, hoạt động sản xuất, kinh doanh và cả giá cả tiêu dùng có sự phụ thuộc nhất định vào giá xăng.

Tuy nhiên, tùy từng ngành nghề, lĩnh vực có độ trễ phù hợp, cũng như ảnh hưởng nhiều hay ít đối với từng sản phẩm cụ thể khác nhau. Theo ghi nhận của phóng viên, hiện các doanh nghiệp ngành hàng nước mắm đã tăng giá sản phẩm, nhưng chỉ tăng giá bán sỉ từ 2.000-5.000 đồng/thùng.

Một số đơn vị sản xuất ở ngành hàng khác áp dụng phương pháp cắt khuyến mãi, giảm chiết khấu để đảm bảo giá ổn định cho sản phẩm, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.

Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc kinh doanh Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, dù giá xăng tăng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến giá tiêu dùng, nhưng đơn vị sẽ chủ động kiểm soát hợp lý để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đặc biệt, thời điểm này, hệ thống Saigon Co.op vẫn thực hiện kế hoạch giảm giá định kỳ trên toàn hệ thống để hỗ trợ người tiêu dùng.

Theo ông Võ Hoàng Anh, thời gian qua, sức mua không cao nên buộc doanh nghiệp phải gồng mình giữ giá. Tuy nhiên, việc nhiều hàng hóa tăng giá thời gian tới là điều khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, vấn đề tăng bao nhiêu và tăng vào thời điểm nào sẽ thuộc vào chiến lược cũng như năng lực của từng doanh nghiệp.

Theo đại điện Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, hiện số lượng nhà doanh nghiệp, nhà phân phối thông báo tăng giá vẫn chưa đáng kể và đơn vị này đang bám sát diễn biến giá cả thị trường.

Thời gian tới, Sở sẽ rà soát chặt chẽ kê khai giá của doanh nghiệp đối với hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, đặc biệt là những sản phẩm thuộc Chương trình bình ổn giá, kiên quyết xử lý những trường hợp kê khai tăng giá không phù hợp.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục