Người đứng đầu chính quyền ở Tripoli từ chối chuyển giao quyền lực

Người đứng đầu chính phủ ở Tripoli, ông Khalifa Ghweil đã ra tuyên bố yêu cầu các bộ trưởng trong chính phủ của ông không từ chức, đồng thời đe dọa sẽ “truy tố” những ai hợp tác với chính phủ mới.
Người đứng đầu chính quyền ở Tripoli từ chối chuyển giao quyền lực ảnh 1Ông Khalifa Ghweil. (Nguồn: libyaobserver.ly)

Người đứng đầu chính quyền không được quốc tế công nhận đang kiểm soát thủ đô Tripoli của Libya ngày 6/4 đã từ chối chuyển giao quyền lực cho chính phủ đoàn kết được Liên hợp quốc ủng hộ.

Người đứng đầu chính phủ ở Tripoli, ông Khalifa Ghweil đã ra tuyên bố yêu cầu các bộ trưởng trong chính phủ của ông không từ chức, đồng thời đe dọa sẽ “truy tố” những ai hợp tác với chính phủ mới.

Tuyên bố này được đưa ra chỉ một ngày sau khi chính quyền kiểm soát thủ đô Tripoli thông báo từ bỏ quyền lực nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài trong nhiều năm qua.

Trước đó, cũng trong ngày 6/4, chính phủ đoàn kết dân tộc Libya đã chỉ thị cho toàn bộ các uỷ ban, cơ quan và các bộ phải tôn trọng quyền hạn của chính phủ mới và sử dụng logo của chính phủ này.

Chính phủ đoàn kết dân tộc cũng yêu cầu ngân hàng trung ương và cục kiểm toán phải ngay lập tức đóng băng toàn bộ các tài khoản nhà nước, ngoại trừ lương dùng để trả cho các nhân viên chính phủ.

Chính phủ đoàn kết dân tộc của Libya được thành lập dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc.

Ngày 30/3 vừa qua, Thủ tướng chính phủ đoàn kết Fayez al-Sarraj đã từ Tunisia về thủ đô Tripoli để bắt đầu công việc, bất chấp sự phản đối của các phe phái đối địch tại nước này.

Ông al-Sarraj đã nhận được sự ủng hộ của các thể chế tài chính quan trọng như Ngân hàng trung ương Libya, Công ty Dầu mỏ quốc gia, cũng như của chính quyền các thành phố phía Đông và phía Nam.

Tuy nhiên, Quốc hội Libya được quốc tế công nhận hiện đang đóng trụ sở tại thành phố Tobruk hiện chưa thể bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ đoàn kết dân tộc do không tập hợp đủ số nghị sỹ cần thiết.

Từ giữa năm 2014, tại Libya tồn tại 2 chính phủ và 2 quốc hội đối địch. Chính phủ do Quốc hội được quốc tế công nhận đã buộc phải chuyển tới Tobruk ở miền Đông sau khi lực lượng Hồi giáo Bình minh Libya chiếm thủ đô Tripoli và lập chính phủ mới với sự ủng hộ của cơ quan lập pháp đã mãn nhiệm.

Thỏa thuận chia sẻ quyền lực, theo đó thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc đặt trụ sở tại Tripoli, đã được ký kết dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc tại Maroc hồi tháng 12/2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục