Người giàu Trung Quốc với xu thế dùng hàng hiệu

Kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp đà tăng trưởng, số người giàu lên không ngừng gia tăng, tạo ra trào lưu dùng hàng hiệu ngày càng lớn.
Jane Shi sải bước vào khu mua sắm thời trang cao cấp Lane Crawford ở Bắc Kinh, hăm hở cầm lấy chiếc túi xách rồi móc ví trả tiền, giống như khi cô đi vào trong các siêu thị bình thường khác.

Điều đáng nói là chiếc túi xách hiệu Balenciaga mà cô mua lần này có giá lên tới hơn 2.000 USD. Hiện Shi đang sở hữu 5 chiếc túi với đủ các thương hiệu nổi tiếng từ Balenciaga, Louis Vuitton, cho tới Vivian Westwood.

Với mức thu nhập bình quân hơn 150.000USD/năm, Shi, Giám đốc một công ty quảng cáo đa quốc gia, là một trong số rất nhiều khách hàng ưa dùng đồ hiệu, một xu hướng đang nổi lên ở Trung Quốc. Hiệp hội hàng hóa Trung Quốc ước tính số lượng những người mua sắm hàng hiệu chiếm 13% tổng dân số nước này, khoảng 170 triệu người.

Trong khi kinh tế thế giới đang bị suy thoái sau cuộc khủng hoảng tài chính thì nền kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp đà tăng trưởng ấn tượng và số người giàu lên tại nước này cũng không ngừng gia tăng, tạo ra trào lưu dùng hàng hiệu ngày càng lớn.

Một bản báo cáo do công ty tư vấn Bain &Campany đưa ra hồi tháng 11/2009 cho thấy việc tiêu thụ hàng hiệu ở Trung Quốc dự kiến sẽ tăng 12% trong năm 2009 (đạt 9,6 tỉ USD). Trong khi đó, lượng tiêu thụ hàng hiệu trong năm 2009 ở thị trường Mỹ giảm 16%, Nhật Bản giảm 10% và châu Âu giảm 8%.

Theo báo cáo của Hiệp hội Hàng hóa xa xỉ thế giới, ngay trong đầu năm 2010, mức tiêu thụ hàng hiệu ở thị trường Trung Quốc đã đạt 8,6 triệu USD, chiếm 25% toàn thị trường thế giới, vượt trên cả Mỹ. Cơ quan nghiên cứu Goldman dự báo, Trung Quốc sẽ vượt qua Nhật Bản, nước đứng đầu thế giới về tiêu thụ hàng xa xỉ, vào năm 2015.

Giáo sư Li Fei, Giám đốc Marketing thuộc đại học Thanh Hoa, Trung Quốc cho biết: “Gu tiêu dùng của người Trung Quốc đã có sự thay đổi lớn, thay vì chú trọng vào số lượng như trước kia thì nay nhiều người đã tập trung vào chất lượng. Tiêu dùng có chọn lọc và theo sở thích là một giá trị vô hình rất quan trọng của hàng hóa xa xỉ bởi chúng được sản xuất dựa trên các nhu cầu phát triển và nhu cầu cuộc sống thiết yếu của con người. Chúng có lịch sử hàng trăm năm và được làm từ các vật liệu quý hiếm với sự khéo léo tinh tế đặc biệt”.

Giáo sư Li chỉ ra rằng địa vị xã hội và sĩ diện bản thân là những động cơ mua sắm mạnh nhất của người tiêu dùng Trung Quốc. Một điểm đặc biệt nữa là tầng lớp tiêu dùng hàng xa xỉ ở Trung Quốc phần lớn tập trung ở độ tuổi từ 20 đến 40, trẻ hơn so với ở Mỹ và châu Âu, thường là trên 40 tuổi.

Hiện nay có hơn 300.000 người Trung Quốc được xếp vào danh sách câu lạc bộ "triệu USD". Một nghiên cứu của công ty McKinsey nhận định Trung Quốc sẽ trở thành nước có số người giàu nhiều nhất thế giới vào năm 2015, ước tính lên tới 44 triệu người, chiếm ¼ số người giàu trên thế giới.

Những chiếc xe Limousine đắt nhất thế giới với giá lên tới 1,2 triệu USD được bắt gặp ở thủ đô Bắc Kinh nhiều hơn bất kỳ thành phố nào khác trên thế giới. Xu hướng đi du lịch nước ngoài cũng đang rất được thịnh hành ở Trung Quốc.

Trong năm 2008, khách du lịch Trung Quốc đã chi 30,5 tỉ USD cho các món hàng xa xỉ. Các công ty du lịch phương Tây chớp đã lấy cơ hội này và nhanh chóng mở các chi nhánh của mình ở các thành phố cấp hai, cấp ba của Trung Quốc.

Về thứ hạng người "nghiện" hàng xa xỉ, trước hết phải kể đến tầng lớp siêu giầu, những người có thu nhập 10 triệu USD hoặc hơn. Họ là những người sẵn sàng phung phí tiền bạc để mua bằng được những món hàng hiệu theo ý thích như một cách để thể hiện đẳng cấp và sự sành điệu của bản thân. Thứ đến là những người mới giàu lên, bao gồm chủ yếu các nhà quản lý và những người lao động trí óc có mức thu nhập từ 200.000-300.000 USD/năm.

Theo giáo sư Li, “mặc dù về phương diện cá nhân, họ mua sắm hàng hiệu ít hơn tầng lớp siêu giầu, song với số lượng đông đảo vượt trội, nhóm này đóng góp phần lớn lượng tiêu thụ sản phẩm xa xỉ của Trung Quốc”.

Ngoài ra còn phải kể đến tầng lớp "tiểu hoàng đế”, những cậu ấm cô chiêu con một sinh ra sau 1980. Sở thích của họ là hàng hiệu và tiêu tiền. Nhóm này luôn được đáp ứng bởi một hậu phương hùng hậu (bố mẹ, ông bà nội ngoại) sẵn sàng hy sinh tất cả cho quí tử độc nhất.

Giáo sư Li tin chắc rằng Trung Quốc sẽ trở thành thị trường tiêu thụ hàng hiệu lớn nhất thế giới do nhu cầu theo đuổi cuộc sống tốt hơn và sự gia tăng của tầng lớp giàu khi mặt bằng kinh tế bước lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý: “Học cách thưởng thức sự xa xỉ là rất quan trọng thay vì chỉ thể hiện chúng. Không thì những thứ hàng hiệu kia sẽ trở nên vô nghĩa”./.

(Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục