Người Khmer Sóc Trăng đón Tết Chôl Chnăm Thmây lớn hơn mọi năm

Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay đến trong niềm vui được mùa vụ lúa Đông Xuân, vụ hoa màu cũng khá bội thu, đời sống ngày càng được nâng cao nên bà con Khmer Sóc Trăng vui đón Tết lớn hơn mọi năm.
Người Khmer Sóc Trăng đón Tết Chôl Chnăm Thmây lớn hơn mọi năm ảnh 1 Trai gái người dân tộc Khmer té nước trong ngày Tết Chôl Chnăm Thmây. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Hàng năm, cứ vào giữa tháng Tư dương lịch là đồng bào Khmer Nam Bộ lại vui mừng đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây (vào Năm mới).

Cũng như các dân tộc khác, đón Năm mới, người Khmer trang hoàng nhà cửa và thực hiện những nghi thức truyền thống, mừng mỗi người thêm tuổi mới, hy vọng một Năm mới với nhiều may mắn, sung túc hơn.

Năm nay, đồng bào Khmer đón Tết Chôl Chnăm Thmây trong ba ngày từ 14-16/4. Không khí đón Năm mới của đồng bào Khmer đang rộn ràng trên mọi nẻo đường, chốn quê vùng đồng bào Khmer Sóc Trăng.

Là địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống nhất cả nước, tỉnh Sóc Trăng có hơn 400.000 người Khmer, tương đương với 30,71% dân số của tỉnh.

Những ngày này, không khí đón Tết ở khắp các phum, sóc tại Sóc Trăng cũng rộn ràng hơn các địa phương khác. Ngoài việc trang hoàng nhà cửa, đồng bào Khmer còn chuẩn bị gạo nếp, đậu các loại, lá chuối, lá dừa làm các loại bánh tét, bánh ít, bánh gừng... để cúng Phật, cúng tổ tiên và tiếp khách.

Để các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo người Khmer thêm niềm vui trong dịp đón Năm mới, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, Mặt trận Tổ quốc và các ngành, đoàn thể đã tổ chức 25 đoàn đi thăm hỏi, chúc Tết, tặng quà tạo thêm không khí vui tươi, phấn khởi.

Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Đài Phát thanh truyền hình Sóc Trăng tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp tại chùa Ta Mơn (xã Viên Bình, huyện Trần Đề) với chủ đề “Mừng Chôl Chnăm Thmây 2015 - Đoàn kết, chung tay xây dựng nông thôn mới.”

Chương trình kết hợp giữa những tiết mục múa hát, văn nghệ đặc sắc lồng ghép với việc tuyên truyền các chính sách của Đảng và Nhà nước, kêu gọi đồng bào chung sức xây dựng nông thôn mới, đoàn kết phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên no ấm cùng xây dựng quê hương giàu đẹp...

Cũng như nhiều lễ hội khác của đồng bào dân tộc Khmer, theo phong tục, mọi nghi thức trong lễ hội Chôl Chhănm Thmây phần lớn đều tập trung tại chùa.

Trong ba ngày lễ, từng dòng người trong phum sóc kéo đến chùa đón lễ hội, thực hiện các nghi thức như đón Năm mới, đắp núi cát, cầu mong được an lành, mưa thuận, gió hòa, Năm mới mọi sự như ý.

Đón Năm mới, một nghi thức được người Khmer rất coi trọng là nghi thức tắm Phật, tắm sư, tắm cho ông bà, cha mẹ, xin tha thứ những thiếu sót, lỗi lầm trong năm cũ.

Bên cạnh những hoạt động ý nghĩa đó là các hoạt động vui chơi mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như hát múa Dù kê, Rô băm, các điệu múa Rom vong truyền thống hay chơi các trò chơi dân gian...

Sư Lâm Chanh, Trụ trì chùa Sro Lôn (xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên) cho biết, nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm, xã hội ngày càng tiến bộ, đời sống khấm khá nên bà con phật tử đón Tết cũng đầm ấm hơn.

Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng, từ nhiều năm qua, Sóc Trăng đã thực hiện hiệu quả các chính sách của Đảng và Nhà nước đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc, góp phần tích cực trong việc nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần của bà con.

Đặc biệt, thực hiện các Chương trình 134, 135, 167 đầu tư phát triển vùng đồng bào đặc biệt khó khăn, Quyết định 74 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, vốn, con giống cây trồng… cho đồng bào Khmer phát triển sản xuất nên tình hình kinh tế-xã hội của xã có bước phát triển vượt bậc, diện mạo nông thôn của vùng đồng bào Khmer thay đổi nhanh chóng.

Nhờ các chính sách, tăng cường tuyên truyền trong vùng dân tộc mà nhận thức của bà con Khmer cũng được nâng lên, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Tại xã Viên Bình (huyện Trần Đề) - nơi có trên 60% dân số là đồng bào Khmer - cuộc sống của bà con đã thay đổi nhanh nhờ các chính sách đầu tư của Nhà nước.

Khi hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, xã tập trung chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ giống sản xuất cho bà con. Hiện nay, xã xây dựng cánh đồng mẫu lớn nhất tỉnh với trên 1.700 ha với giống chủ lực là ST5, giúp nhiều nông dân Khmer vươn lên trở thành “tỷ phú chân đất.”

Ông Lâm Hông, người dân ở ấp Trà Ông, xã Viên Bình vui mừng chia sẻ, nay xã đã có đường nhựa đi lại thuận tiện, có nước ngọt, điện kéo về từng nhà, chính quyền hỗ trợ kỹ thuật nên người dân đã biết chọn những giống lúa chất lượng cao để trồng.

Gia đình ông có 15ha đất đều trồng giống lúa ST5, năng suất đạt trên 8 tấn/ha, lợi nhuận bình quân trên 30 triệu đồng/ha. Bây giờ, nông dân trồng lúa, thu hoạch bằng cơ giới, thương lái đến tận ruộng thu mua nên không phải vận chuyển xa, tốn kém như trước.

Cùng với phát triển kinh tế, Sóc Trăng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng 8 trường trung học cơ sở dân tộc nội trú, một trường trung học phổ thông dân tộc nội trú dành cho con em đồng bào Khmer và trường bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ dành cho tăng sinh. Song song với đó, công tác xét cử tuyển hệ đại học, dự bị đại học dành cho con em đồng bào khmer cũng được quan tâm.

Đào tạo gắn kết với công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ người dân tộc Khmer tiếp tục được tỉnh quan tâm thực hiện. Hiện nay, Đảng bộ tỉnh có 4.554 đảng viên là người dân tộc Khmer, chiếm 13,3% tổng số đảng viên trên địa bàn; gần 5.000 cán bộ, công chức, viên chức là người Khmer, chiếm 20,32% tổng số cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh.

Nhiệm kỳ 2010-2015, có 343 cán bộ người dân tộc Khmer được quy hoạch vào Ban chấp hành Đảng bộ xã, phường, thị trấn, chiếm 12,2%.

Theo ông Lý Bình Cang, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng: Hiện nay, các xã, phường, thị trấn có đông đồng bào Khmer đều có người dân tộc giữ vị trí chủ chốt. Vì vậy, việc triển khai các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước dễ dàng hơn.

Đặc biệt, các chương trình, dự án hỗ trợ con giống cây trồng, vật nuôi, vốn, chuyển giao kỹ thuật… bà con Khmer thực hiện rất tốt và mang lại hiệu quả cao. Điển hình như mô hình nuôi bò sữa ở xã Tham đôn (huyện Mỹ Xuyên), Tài Văn (huyện Trần Đề), Thuận Hưng (Mỹ Tú), mô hình cánh đồng mẫu ở Viên Bình (Trần Đề)… đã giúp hàng ngàn hộ Khmer thoát nghèo trở nên khá, giàu mỗi năm.

Về vùng nông thôn đồng bào Khmer trong những ngày Tết Chôl Chnăm Thmây thấy xuất hiện thêm những ngôi nhà tường mới khang trang, những con đường mới, ngôi chùa mới trang hoàng lộng lẫy.

Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay đến trong niềm vui vụ lúa Đông Xuân vừa thu hoạch xong, vụ hoa màu cũng khá bội thu, đời sống ngày càng được nâng cao nên bà con Khmer Sóc Trăng vui đón Tết lớn hơn mọi năm./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục