Người Kurd ở Iraq bắt đầu cuộc trưng cầu ý dân gây nhiều tranh cãi

Bất chấp sự phản đối của Chính phủ Iraq và các nước láng giềng, ngày 25/9, cộng đồng người Kurd ở miền Bắc Iraq đã bắt đầu tham gia cuộc trưng cầu ý dân về độc lập gây nhiều tranh cãi.
Người Kurd ở Iraq bắt đầu cuộc trưng cầu ý dân gây nhiều tranh cãi ảnh 1Người dân dạo chơi tại khu thành cổ ở Arbil,thủ phủ Khu tự trị người Kurd ở miền bắc Iraq ngày 23/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bất chấp sự phản đối của Chính phủ Iraq và các nước láng giềng, vào lúc 8h (theo giờ địa phương, tức 12 giờ theo giờ Hà Nội) ngày 25/9, cộng đồng người Kurd ở miền Bắc Iraq đã bắt đầu tham gia cuộc trưng cầu ý dân về độc lập gây nhiều tranh cãi.

Cuộc bỏ phiếu dự kiến kết thúc vào 18 giờ (theo giờ địa phương) cùng ngày.

Cuộc bỏ phiếu, theo sáng kiến của nhà lãnh đạo khu vực người Kurd Massud Barzani, được tổ chức trên khắp 3 tỉnh miền Bắc của khu tự trị của người Kurd ở Iraq là Arbil, Sulaimaniyah và Dohuk, cũng như các khu vực giáp giới có tranh chấp, như tỉnh Kirkuk giàu dầu lửa.

Kết quả kiểm phiếu cuối cùng sẽ được thông báo trong vòng 72 giờ.

Cuộc trưng cầu của khu vực tự trị người Kurd ở miền Bắc Iraq đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ chính quyền Baghdad và một số nước trong khu vực.

Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Iraq, cùng lên tiếng kêu gọi hủy bỏ cuộc trưng cầu ý dân sắp tới và cảnh báo sẽ có những biện pháp đáp trả nếu họ kiên quyết tiến hành cuộc trưng cầu.

Ai Cập và Saudi Arabia cũng bày tỏ quan ngại về cuộc trưng cầu, đồng thời kêu gọi cần phải xem xét các hậu quả lâu dài của cuộc trưng cầu đối với sự ổn định và an ninh của Iraq và khu vực Trung Đông.

[Tập trận ở biên giới, Iran phong tỏa đường bay tới khu vực người Kurd]

Mỹ cảnh báo sẽ không thể giúp người Kurd tiến tới một thỏa thuận tốt hơn với Chính phủ Iraq nếu họ ngoan cố tiến hành cuộc trưng cầu, đồng thời hối thúc các nhà lãnh đạo người Kurd tại Iraq đối thoại nghiêm túc và lâu dài với chính quyền trung ương về mọi vấn đề liên quan, trong đó có tương lai mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và địa phương.

Báo cáo đánh giá của Nhóm Nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG), có trụ sở tại Brussels (Bỉ), nhận định cuộc trưng cầu ý dân về độc lập sẽ không thể giúp khu tự trị của người Kurd trở thành một nhà nước độc lập, bất kể kết quả cuộc bỏ phiếu ra sao, vì cuộc trưng cầu này đơn thuần chỉ là động thái mang tính tham vấn và không ràng buộc về mặt pháp lý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục