Người quê càng thích

Hán Văn Tình: Hà Nội đã mê, người quê càng thích

NSƯT Hán Văn Tình làm khán giả khó quên qua các vai diễn. Đặc biệt là vai Chu Văn Quềnh. Con người vui vui thế mà sao lắm day dứt?
Anh là một nghệ sĩ Tuồng gạo cội nhưng anh thực sự trở thành người của công chúng khi vào vai Chu Văn Quềnh-một kiểu Chí Phèo dễ thương thời hiện đại, trong bộ phim truyền hình “Đất và người.”

Bên cạnh sân khấu đang tập vở ở Nhà hát Tuồng Việt Nam, phóng viên Vietnam+ đã có buổi hẹn gặp NSƯT Hán Văn Tình. Đó là một buổi tối muộn cuối năm, chuyện khai xuân chưa mở mà đã ăm ắp những nỗi niềm duyên nghiệp.
 
- Phim “Đất và người” công chiếu đã lâu, vậy mà ai cũng nhớ và quý nhân vật có câu nói nổi tiếng “Không thể hoãn cái sung sướng…,”  vậy anh đã muốn có vai diễn khác vượt qua vai Quềnh, với cái tên Chu Văn Quềnh gắn liền như tên phụ của anh?

NSƯT Hán Văn Tình: (trầm ngâm) Đời nghệ sĩ ai cũng mong muốn nhiều, nhưng cái được thì rất giới hạn. Tôi sẵn sàng vào những vai để đời nhưng đâu phải ước muốn mà được. Có một vai như Quềnh rất khó.

Đó là một vai dễ nhớ, khó quên. Cái lạ là càng ở các vùng quê người ta càng “mê” Quềnh nhiều hơn. Truyền hình phát lần đầu khán giả đã thích, khi phát lại người xem lại càng thích hơn. Và ngay ở Hà Nội, khi tôi đi ra phố khán giả vẫn cười chào “Quềnh” rất vui vẻ! 

- Vậy, ngoài việc vai diễn có đất để diễn thì anh có bí quyết nào để  "ăn" vai khiến ai gặp anh cũng như gặp người thân quen thế, thưa anh?


NSƯT Hán Văn Tình: (cười) Phải nhập vào cuộc sống của con người ta thì sẽ ra. Đó là sống cuộc đời của nhân vật đấy. Một số người quan niệm chỉ lo diễn là chính thì không ăn thua.

Quan niệm thế, nên tôi làm không nhiều, nhưng làm vai nào là cố gắng ra vai ấy. Diễn viên khi đã tự nhủ: “mình cứ đặt mình vào” thì diễn mới ra hồn được, mới hay.

- Vai Quềnh đã "đưa chân" anh sang điện ảnh, sang diễn hài. Sau một thời gian đủ 'ngấm" cái sự thích hài của khán giả anh có nhận xét gì?

NSƯT Hán Văn Tình: Khán giả bây giờ không phải là khó tính nhưng nhận thức của mọi người đã khác trước. Không chỉ cách diễn hài của từng vùng, miền khác nhau mà còn cách diễn hài và cảm thụ hài cũng khác theo từng thời điểm.

Trước đây, sau “Gặp nhau cuối tuần,” chúng tôi đi diễn và hút khán giả rất nhiều. Nhưng hiện nay, khán giả không háo hức với hài như trước nữa. Và nghệ sĩ hài diễn ít nên không nhiều cơ hội bộc lộ mình. Diễn viên chuyên hài ở ta chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đã là nghệ sĩ thực thụ thì ai cũng trăn trở về chất lượng hài. Bây giờ hài không còn chiều sâu và bề dày như trước. Diễn lại hài cũ cũng không thể được, không mới là đã hết hấp dẫn.

- Được biết, anh đang là Trưởng đoàn 2 của Nhà hát Tuồng Việt Nam, vậy nỗi trăn trở duyên nghiệp của nghệ sĩ truyền thống hẳn luôn đau đáu trong anh, anh có thể chia sẻ về điều này?

NSƯT Hán Văn Tình: Tôi xin nói thật, từ trước đến nay, diễn viên sân khấu truyền thống thường bị các nghệ sĩ theo xu hướng hiện đại xem thường. Cũng là hoạt động nghệ thuật, cũng say sưa và thậm chí còn phải hy sinh, thiệt thòi rất nhiều mà có lúc không được đánh giá đúng, cũng buồn!

Thời gian bao cấp thì "như nhau" không có gì đáng phải lo ngại. Gần đây, cơ chế thị trường đã có những phân chia. Khán giả đến với sân khấu cũng ít và khác so với trước...Thế rồi, từ khi một số người trong chúng tôi sang làm phim và khẳng định được mình thì cái rào cản đã bị xóa bỏ.

Vậy điều gì làm cho nghệ sĩ truyền thống thuyết phục được khán giả và để những đồng nghiệp “năng động, hiện đại” nhận ra mình. Tôi nghĩ rằng đó là chất dân tộc, dân gian đã cho chúng tôi đấy. Tuồng cho nhiều nét riêng và thế nào cũng mang tính dân tộc một cách rất tự nhiên, không phải cố. Thế nên dù khó khăn, tôi luôn tin vào con đường của mình.

Tôi khẳng định rằng: Bản sắc văn hóa dân tộc phải nhớ. Vai diễn truyền thống phải giữ. Làm nghệ thuật truyền thống mà không giữ được truyền thống, lại chỉ lo theo hiện đại, thì mất mình rồi còn đâu!

- Anh có thể chia sẻ về xu hướng và kế hoạch liên kết với ngành du lịch để phát triển sân khấu Tuồng?


NSƯT Hán Văn Tình: Đúng là có hướng liên kết du lịch nhưng thực tế cũng chưa triển khai được bao nhiêu. Đây là một cách để quảng bá văn hóa nghệ thuật dân tộc đối với bạn bè quốc tế. Nhưng muốn phát triển phải trả tiền cho đội ngũ maketting. Mà mình chưa có tiềm lực kinh tế, nếu trả công thấp quá thì họ chỉ thử tham khảo, thăm dò rồi...thôi.

- Còn về đội ngũ diễn viên trẻ để kế cận trong mối lo “Ai người trước đã qua/ Ai người sau chưa tới/ Ngẫm trời đất vô cùng/ Một mình tuôn giọt lệ” thì sao thưa anh?

NSƯT Hán Văn Tình: Đúng vậy, động viên các bạn trẻ nhưng tôi cũng trăn trở, day dứt, đắn đo lắm. Các bạn trẻ bây giờ không đến với Tuồng. Mong sao Nhà nước phải hỗ trợ phần nào để các bạn trẻ yên tâm "ở lại" với Tuồng. Hiện nay, nói thật nhé... chỉ có nửa vời thôi. Một phần cũng vì mặt bằng lương của diễn viên vẫn buồn lắm!

Như lương tôi, vượt khung 19% mà chỉ có 3,2 -3,3 triệu đồng/ tháng. Trong khi mặt bằng giá cả bây giờ phải 7-8 triệu mới có thể yên tâm sống và cống hiến. Tôi còn có thêm thu nhập khi tham gia  diễn ở chỗ nọ chỗ kia, hay được mời làm quảng cáo. Các bạn trẻ thì chưa có "thương hiệu" để kiếm tiền như chúng tôi.

- Theo ý kiến của anh, nếu Nhà nước không thể hỗ trợ nhiều thì việc “tự chủ” của các đoàn phải thế nào?


NSƯT Hán Văn Tình: Muốn diễn được phải quan hệ với các nhà tài trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp. Trong xã hội có những doanh nghiệp có tâm với văn hóa truyền thống. Ví dụ như chúng tôi có quan hệ tốt đẹp với công ty trách nhiệm hữu hạn Hoàng Minh. Công ty này chuyên về cháo dinh dưỡng. Họ cấp cho mình mỗi buổi diễn một khoản tiền để đầu tư biểu diễn, và còn mang cháo đến ủng hộ từ thiện cho khán giả xem.

Vừa rồi, chúng tôi đã biểu diễn ở làng trẻ mồ côi Berla. Sắp tới là làng trẻ Hòa Bình... Cái quý là trong lúc cả nước-cả thế giới khó khăn, đơn vị kinh doanh vẫn bỏ tiền đi quảng bá văn hóa-nghệ thuật dân tộc.

Có nhiều cách để các công ty quảng bá thương hiệu. Và sẽ có những doanh nghiệp sẵn sàng chọn cách song hành cùng Nhà hát Tuồng như kể trên. Như vậy, nếu chịu khó suy nghĩ, mày mò một chút thì các đoàn nghệ thuật sẽ không đến nỗi khó khăn.

- Tết này, anh có tham gia vào sản phẩm hài xuân để khán giả “không thể hoãn cái sung sướng” cười đầu năm sẽ được như ý?

NSƯT Hán Văn Tình: Tôi là người Văn Lang, “Văn Lang cả làng nói phét” đó. Người Việt mình có các truyện cười Trạng Quỳnh, Ba Giai, Tú Xuất và truyện cười Văn Lang. Truyện cười Văn Lang giống như của làng Gabrovo(Bulgaria) nổi tiếng vì khiếu hài hước đặc biệt đấy.

Ý đồ diễn hài từ truyện cười của quê hương đã hình thành trong tôi cách đây đã 4-5 năm rồi. Nếu biết xâu chuỗi các  truyện cười của làng thì có thể viết thành một kịch bản hay. Năm ngoái, tôi định làm, đưa cho một đồng nghiệp quyển truyện cười và bàn sẽ cùng làm cười Văn Lang.

Sau đó, nghệ sĩ ấy đã liên kết cùng nhóm khác để làm. Giá như ông cùng làm với tôi thì sẽ thuận lợi hơn. Tôi có nói thẳng, ông bảo: “Sao anh độc quyền thế!” Buồn! Và thế là sẽ có hai Văn Lang cười xuân này. Đó là "Chuyện cười văn Lang" và "Văn Lang làng cười."  Hài năm nay, tôi không làm như mọi năm mà cô đọng. Tiếc là ban đầu trục trặc như kể trên, nhưng tôi tin là rồi sẽ qua.

- Anh say nghề như thế, còn gia đình anh thì sao? Anh có thể chia sẻ về tình cảm riêng không?

NSƯT Hán Văn Tình: Đời riêng của tôi không có gì để nói nhiều. Nó cũng êm ả. Một vợ hai con như thường (cười). Một đứa đang học Đại học công nghiệp, một đứa học lớp 10. Tôi đi từ sáng sớm và về khi tối muộn. Áp lực công việc quá nhiều nên việc nhà toàn vợ đảm đương. Vợ tôi không nói đâu, nhưng chắc cũng không vui. Tôi được cô ấy thông cảm là quý lắm rồi! (Trên gương mặt cười, mắt buồn vời vợi...)

- Trân trọng cảm ơn anh, chúc anh tiếp tục nhận được vai diễn như Quềnh để ở Hà Nội rất mê, miền quê lại càng thích!

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục