Người tiết lộ vụ SwissLeaks: "Hồ sơ Panama chỉ có lợi cho Mỹ"

Hervé Falciani, người đã công bố hơn 120.000 tài khoản khách hàng từ 200 nước trong ngân hàng HSBC Private Bank, cho rằng vụ "Hồ sơ Panama" trên thực tế chỉ có lợi cho phía Mỹ.
Người tiết lộ vụ SwissLeaks: "Hồ sơ Panama chỉ có lợi cho Mỹ" ảnh 1Hervé Falciani. (Nguồn: AFP)

Trả lời phỏng vấn nhật báo kinh tế tài chính hàng đầu của Italy Mặt trời 24 giờ, Hervé Falciani, người đã gây chấn động dư luận thế giới vào năm ngoái khi tiết lộ danh sách các khách hàng của ngân hàng HSBC Private Bank ở Geneva, Thụy Sĩ (còn gọi là vụ SwissLeaks) cho rằng vụ tiết lộ Hồ sơ Panama trên thực tế chỉ có lợi cho phía Mỹ.

"Trong thời gian trước mắt, Mỹ là nước được lợi nhất từ việc rò rỉ hàng triệu thông tin liên quan đến các nhân vật nổi tiếng hoặc các công ty, tập đoàn đã có hành vi tài chính mờ ám trong vụ Hồ sơ Panama," Falciani nói.

"Đây chính là một cuộc chiến tình báo về kinh tế. Nếu như các dòng tiền được chuyển tới Thụy Sĩ hoặc Panama, nước Mỹ không thể nào kiểm soát được các dòng thông tin đó, kể cả khi các thương vụ tài chính được thực hiện một cách thiếu minh bạch."

Falciani cho rằng đây là một thông điệp của phía Mỹ, khẳng định rằng "hãy làm ăn với người Mỹ, còn hơn là với người Nga" và là một cảnh báo ngầm của Mỹ đối với các nền kinh tế khác.

Năm ngoái, Falciani và nhiều người giấu tên khác đã công bố hơn 120.000 tài khoản khách hàng từ 200 nước trong ngân hàng HSBC Private Bank, hé lộ những hành vi trốn thuế hàng chục tỷ USD trong nhiều năm của họ.

Chính Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), tổ chức đã phanh phui vụ bê bối Hồ sơ Panama đang chấn động thế giới những ngày này, đã đăng tải các thông tin nhạy cảm trong danh sách khách hàng mà Falciani đã công bố.

Theo ICIJ, HSBC Private Bank đã "điều hành giúp" các khách hàng vô số các công ty về bất động sản, quỹ đầu tư hoặc quản lý tài chính có trụ sở ở các "thiên đường trốn thuế."

Tuy nhiên, theo Falciani, vụ tiết lộ được đặt biệt danh là SwissLeaks này vẫn chưa gây chấn động bằng vụ Hồ sơ Panama dù về bản chất là giống nhau, nhưng cũng cho thấy tầm quan trọng của tình báo kinh tế.

"Kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra vào cuối năm 2007, sau đó chuyển thành khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng trở nên quyết liệt hơn, và trong cuộc chiến này - trong một nền kinh tế luôn xoay quanh thông tin - thì tình báo kinh tế sẽ làm nên điều khác biệt," Falciani nói.

Falciani nhấn mạnh rằng đó là lý do khiến ông tin rằng Mỹ hưởng lợi nhiều nhất trong cuộc chiến thông tin này.

Theo Falciani, một khía cạnh tích cực của vụ rò rỉ thông tin này là dư luận sẽ có cơ hội để hiểu thêm về hoạt động của các cơ chế tài chính thiếu minh bạch, về các ngân hàng bí mật và các "thiên đường trốn thuế."

Một nguồn giấu tên đã cung cấp khoảng 11,5 triệu tài liệu của Công ty luật Mossack Fonseca cho báo Nam Đức của Đức khoảng 1 năm trước. Nhật báo này sau đó chia sẻ thông tin với ICIJ và một số tập đoàn thông tin khác như BBC và ​The Guardian để huy động các báo cùng điều tra. Hơn 400 nhà báo từ 80 quốc gia trên thế giới đang tham gia đánh giá và nghiên cứu các tài liệu này.

Vụ rò rỉ Hồ sơ Panama hiện đang là tâm điểm của sự chú ý trên thế giới khi nó hé lộ về một vụ tham nhũng toàn cầu, cũng như những bí mật của giới nhà giàu trên toàn thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục