Người tiêu dùng Việt Nam lạc quan thứ 2 châu Á-Thái Bình Dương

8.178 người tham gia khảo sát ở châu Á Thái Bình Dương được hỏi về triển vọng kinh tế trong vòng 6 tháng tới dựa trên 5 yếu tố bao gồm nền kinh tế, tình hình việc làm,thu nhập, chứng khoán...
Người tiêu dùng Việt Nam lạc quan thứ 2 châu Á-Thái Bình Dương ảnh 1Hình chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: nutraingredients.com)

Kết quả khảo sát về niềm tin người tiêu dùng của MasterCard được công bố ngày 18/8 cho thấy người tiêu dùng Việt Nam được xếp thứ 2 trong những quốc gia có mức độ lạc quan nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương với 86,9 điểm, chỉ đứng sau Ấn Độ với 93,1 điểm.

Từ tháng 5 đến tháng 6/2015, 8.178 người tham gia khảo sát ở độ tuổi từ 18 đến 64 tại 17 quốc gia và nền kinh tế châu Á Thái Bình Dương được hỏi về triển vọng kinh tế trong vòng 6 tháng tới dựa trên 5 yếu tố bao gồm nền kinh tế, tình hình việc làm, thu nhập thường xuyên, thị trường chứng khoán và chất lượng cuộc sống.

Nhìn chung, người dân khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn lạc quan về tương lai, tuy nhiên mức độ lạc quan hiện đang bắt đầu sụt giảm tại một số thị trường. Sự giảm sút chỉ số niềm tin xuất hiện sau 6 tháng cuối năm 2014, kết thúc 10 năm liên tiếp sự lạc quan được duy trì ở mức cao và phản ánh sự không chắc chắn ngày càng tăng về triển vọng của nền kinh tế.

Người dân tại Indonesia, Thái Lan và Myanmar nhìn chung vẫn lạc quan, tuy nhiên người tiêu dùng đã thể hiện sự sụt giảm niềm tin đáng kể so với mức lạc quan rất cao 6 tháng trước đó.

Tuy mức độ lạc quan nhìn chung tương đối cao, vẫn có sự khác biệt rõ rệt giữa các thị trường trong vùng. Australia là thị trường bi quan duy nhất với 39,5 điểm; trong khi đó, với 93,1 điểm, Ấn Độ trở thành thị trường duy nhất tại châu-Á Thái Bình Dương có người tiêu dùng “cực kỳ lạc quan” về triển vọng nền kinh tế trong vòng 6 tháng kế tiếp.

Niềm tin người tiêu dùng tại Trung Quốc và Hong Kong tương đối ổn định và sự lạc quan vẫn được duy trì. Tuy nhiên, một điểm quan trọng cần lưu ý là cuộc khảo sát được thực hiện vào giữa tháng 5 và tháng 6, trước khi thị trường chứng khoán Trung Quốc chao đảo vào tháng 7/2015.

Không có dấu hiệu cho thấy niềm tin vào thị trường chứng khoán sẽ giảm sút, và trong kết quả khảo sát, chỉ số niềm tin về thị trường chứng khoán nằm trong khoảng lạc quan với 81,3 điểm cho Trung Quốc và 80 điểm cho Hong Kong.

Matthew Driver, Giám đốc điều hành bộ phận giải pháp và sản phẩm toàn cầu, khu vực châu Á-Thái Bình Dương, MasterCard nhận định: "Niềm tin người tiêu dùng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2015 có nhiều biến chuyển khi nền kinh tế bất ổn đã bắt đầu tác động đến những quốc gia đang phát triển. Ấn Độ là quốc gia duy nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương nơi mà người tiêu dùng cực kỳ lạc quan về tương lai. Nguồn 'năng lượng' mà Thủ tướng Narendra Modi mang đến qua những cải cách của mình đang được đón nhận nồng nhiệt và tạo nên những kết quả đầy ý nghĩa. Qũy Tiền tệ Quốc tế dự đoán nền kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 7,5% trong năm nay, vượt qua Trung Quốc lần đầu tiên kể từ năm 1999.

"Niềm tin người tiêu dùng tại một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt Indonesia, Myanmar và Thái Lan, đã giảm đáng kể khi mà triển vọng kinh tế trong khu vực đã suy giảm,” chuyên gia Matthew Driver giải thích./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục