Người tình nửa thế kỷ

Người tình nửa thế kỷ của NSND Thế Anh

Bà từng là hoa khôi trường Trưng Vương, solist của nhà hát Kịch nói Trung ương và không thiếu huy chương trong đời làm nghệ thuật.
Bà là Nguyễn Thu Hằng, hoa khôi Trường Trưng Vương một thời, solist của Nhà hát Kịch nói Trung ương thời kỳ trước giải phóng và không thiếu huy chương trong đời làm nghệ thuật.

Nhưng bà đã chấp nhận lùi xuống để “một nửa” của mình, nghệ sĩ Nhân dân Thế Anh được toàn tâm toàn ý sống với nghề.

Tôi tìm đến tổ ấm của vợ chồng nghệ sĩ Nhân dân Thế Anh không phải để gặp ông - “ông hoàng” một thời trên màn ảnh Việt Nam, “người tình trong mộng” của biết bao cô gái mà để tìm “người phụ nữ dũng cảm” của ông.

Trong căn nhà ba tầng lầu chỗ nào cũng thấy hình ảnh nghệ sĩ Nhân dân Thế Anh, người đã góp mặt trong hơn 60 bộ phim truyện nhựa, bà lui cui dọn dẹp “chiến trường” sau mấy ngày đi vắng.

Còn một “chiến trường” khác cũng đang chờ bàn tay của bà, nhà anh con trai cả với thằng cháu đích tôn đang đến tuổi đi nhà trẻ.

Sáng nay bà vừa hoàn tất chuyến khảo sát trường mầm non để “tham mưu” cho bố mẹ cậu bé, đêm qua bà mới bay từ Hà Nội vào.

Bà sinh năm 1945, kém ông bảy tuổi. Bà gặp ông khi mới vừa tròn 16, chính tại lớp diễn viên Trường Nghệ thuật Sân khấu mà ông bà học chung.

Bà trở thành người yêu của ông lúc 18 tuổi, sau khi ông đã trải qua vài mối tình với những giai nhân nức tiếng trong trường. Và họ thành vợ thành chồng khi ông đóng xong “Nổi gió”, bộ phim đã làm nên tên tuổi ông, năm đó bà mới 20.

Cuộc sống vợ chồng son của ông bà kéo dài tới bảy năm một cách bất đắc dĩ, bởi theo quy định của nơi họ làm việc, trong 3-4 năm đầu, họ chưa được phép có con để không làm ảnh hưởng đến việc biểu diễn.

Nhưng có khi như thế, lòng đam mê nghệ thuật trong bà còn tiếp tục được cháy lâu hơn. Bởi khi người con đầu lòng ra đời vào năm 1972, cuộc sống vốn đã khó khăn trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh trở nên khó khăn hơn gấp bội.

Con được năm tháng, bà tất tưởi quay lại với công việc, chồng một vở, vợ một vở ở hai điểm diễn cách xa nhau, bà tay bế tay bồng con đến tận nơi làm việc.

Có những ngày phải diễn xa thành phố, bà đành gửi con cho hàng xóm để rồi về đến nhà thì tá hỏa vì trời rét căm căm mà con bà đang được… ngâm nước ao.

Cậu con trai thứ hai ra đời năm 1978, dù đất nước đã thống nhất nhưng đó là thời kỳ đời sống kinh tế của toàn xã hội vẫn còn rất gian khổ. Hai cậu bé không những sớm phải tự trông nom nhau mà còn tập quen dần việc cùng mẹ phục vụ bố trên phim trường, lóc cóc đạp xe mang cơm cho bố.

Lúc nghệ sĩ Nhân dân Thế Anh bắt đầu rời Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh làm nghề, gia đình họ chia làm hai “mũi nhọn”, một mũi - bà và cậu con út ở lại Hà Nội để bà hoàn thành nốt những vai diễn ở Đoàn kịch Trung ương và mũi kia - ông với cậu cả đi khai phá vùng đất mới.

Mất vài năm chỉ thăm nhau quáng quàng trong những chuyến đi chóng vánh, gia đình ông bà mới quy về một mối. Nhìn lại thời ấu thơ đầy nhớ nhung xa cách với bố mẹ, sau này, khi vừa lớn, hai con của ông bà đều “đúc kết”: “Sau này con không lấy vợ làm nghệ thuật vì nếu làm nghề mà phải xa con như thế thì khổ quá!.”

Giờ hai con ông bà là Thế Phương và Thế Duy (Phương, Duy là tên hai nhân vật gắn liền với nghệ sĩ Nhân dân Thế Anh trong các phim “Nổi gió”“Mối tình đầu”) đã thành đạt, người anh là cán bộ của hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam, người em đỗ tiến sĩ kinh tế và đang làm việc tại Pháp.

Sau gần nửa thế kỷ chung lưng đấu cật với người chồng nổi tiếng, hào hoa, luôn có người đẹp đeo bám và sẵn sàng “cho không” tất cả, nhìn lại công cuộc “giữ lửa” gia đình, bà Hằng vẫn ung dung và thản nhiên như lẽ đời phải thế.

“Tôi cũng là nghệ sĩ, cũng làm nghệ thuật nhiều năm, tôi hiểu hào quang xung quanh chồng tôi là gì. Ông ấy nổi tiếng từ khi còn rất trẻ, như một hoàng tử trong làng nghệ thuật thì chuyện được mến mộ cũng là bình thường. Họ ái mộ sự hào nhoáng toát ra từ một người nghệ sĩ, còn tôi thì sống hoàn toàn với một người bình thường.”

Người bình thường ấy cũng ghen tuông dữ dội như ai, bà đã luôn cần đến người đóng thế trên sân khấu khi nhận những vai diễn có “cảnh nóng.”

Nhưng bà cũng không phủ nhận chuyện có những lúc “bát đĩa xô,” ấy là khi ông cũng xiêu lòng với những bóng hồng, và bà có cách giải quyết của riêng bà, cái cách mà các cụ vẫn nói “lạt mềm buộc chặt.”

Với bà, việc chồng có nhiều người yêu mến không phải vấn đề, bởi chuyện cơm áo, con cái, rồi việc chăm lo cho chồng từ những bữa cơm hàng ngày đến những lúc bệnh tật, tai nạn vì đóng phim còn lớn hơn, đáng quan tâm nhiều hơn.

Ông tuy sống đời nghệ sĩ nhưng cũng là “tay” gia trưởng thứ thiệt. Ông chẳng đụng tay đến việc nhà, nói năng dứt khoát, lệnh đã ban bố thì không rút lại nên cả vợ và con đều phải hiểu và nghiêm chỉnh chấp hành. Nếu nói rằng ông không biết cả việc tự chăm sóc bản thân thì cũng không... oan.

Trước đây, khi vào phim, ông luôn luôn không màng đến chuyện ăn nghỉ, nếu bà không phục vụ tận nơi thì có khi ông chẳng gượng dậy nổi sau những bộ phim mà thời gian đóng được tính bằng năm.

Còn bây giờ, nếu bà đi vắng bảy ngày thì trong tủ lạnh là bảy phần ăn chia đều trong những chiếc hộp, từ cơm đến thức ăn mặn, rau cũng phải chia thành bảy bịch đã nhặt rửa sạch sẽ để ông chỉ việc cho vào nồi nấu lên.

Chưa kể, với chứng bệnh huyết áp cao, tiểu đường và gout nhẹ, ông uống đủ thứ thuốc trên đời, từ thuốc Tây đến thuốc Nam, thuốc Bắc rồi các loại cao, cốt, mật, sâm… Tất cả do một tay bà sắp xếp, chế biến.

Như nhiều phụ nữ kiên cường của thế hệ trước, bà có ý chí để trở thành người có sức khỏe phi thường, bởi ngoài chăm ông, chăm căn nhà ba tầng của ông bà, bà còn phải lo cho cả gia đình của người con lớn ở tuốt Gò Vấp với đứa cháu nội mới hơn hai tuổi.

Hai vợ chồng con bà đều làm ngành hàng không, thường xuyên phải xa nhà. Bà trông cháu 100% từ khi nó lọt lòng đến lúc tám tháng, trông cháu như sống lại lúc còn nuôi con nhỏ và đến giờ lại lo tìm trường cho cháu đi học.

Thời gian biểu của bà bắt đầu từ sáng sớm, với lớp yoga - thái cực quyền để còn giữ sức chăm chồng chăm con chăm cháu và tất tưởi chợ búa, cơm nước, dọn dẹp, chạy đi chạy lại như thoi giữa quận 10 và Gò Vấp.

Ai quen thân với nghệ sĩ Nhân dân Thế Anh sẽ biết ông giỏi nghề diễn nhưng rất vụng với việc làm kinh tế. Chính ông cũng nói về mình: “Người ta kinh doanh thì có lãi, tôi kinh doanh chỉ có lỗ vốn thôi!.”

Bởi vậy mà vợ chồng ông vẫn sống đạm bạc theo kiểu “khéo co thì ấm” từ khi mới cưới đến tận bây giờ, trong căn nhà mua bằng tiền do cha ông cho trên một con đường nhỏ ở quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.

Căn nhà này, theo những người mà ông gọi là “con phe” thì nếu biết mua đi bán lại, ông đã thành đại gia nhà đất! Thế nhưng vợ chồng “đại gia tiềm năng” này không mảy may nghĩ đến chuyện ấy, họ sống bên nhau êm đềm với niềm vui chung là con là cháu và niềm vui riêng của ông là sưu tầm poster phim, làm những phòng lưu niệm với những bức ảnh về đời nghệ thuật, nếu dư dả chút ít thì đi đây đi đó./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục