Người Tổng tư lệnh

Người Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam

Ngày 20/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng, Chính phủ ký sắc lệnh phong quân hàm Đại tướng cho vị tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp.
Nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật Vị tướng huyền thoại của Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Vietnam+ xin giới thiệu loạt bài viết của tác giả Trần Huyền Thương về cuộc đời và sự nghiệp của ông.

Kỳ VII: Người Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam

Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Không cam chịu thất bại, chủ nghĩa đế quốc tìm trăm phương nghìn kế hòng tiêu diệt Nhà nước Công nông non trẻ đầu tiên của chúng ta.

Ở phía Bắc, cuối tháng 8/1945, gần 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch, do Mỹ giật dây, mượn cớ vào nước ta để tước vũ khí quân đội phátxít Nhật, nhưng thực tế là mưu toan xâm lược miền Bắc Việt Nam.

Ở miền Nam, đầu tháng 9/1945, quân đội thực dân Anh kéo đến, mượn cớ giải giáp vũ khí quân đội Nhật, nhưng kỳ thực là giúp thực dân Pháp cướp lại nước ta.

Trong lúc đó bè lũ phản động thân Mỹ, thân Pháp,thân Tưởng ra sức phá hoại cách mạng. Trong cả nước còn 6 vạn quân Nhật còn nguyên vũ khí, sẵn sàng theo lệnh quân Anh, quân Tưởng chống lại cách mạng Việt Nam.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, chưa bao giờ nhân dân ta phải đối phó với nhiều kẻ thù hung bạo, xảo quyệt đến như vậy. Nhà nước Việt Nam lúc ấy còn quá non trẻ, quân đội mới thành lập, trang bị vũ khí còn hết sức thô sơ, nền tài chính kiệt quệ, nạn đói do thực dân Pháp và phátxít Nhật gây ra làm 2 triệu người chết đói.

Khó khăn chồng chất khó khăn. Vận mệnh Tổ quốc ngàn cân treo sợi tóc. Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch đã vận dụng linh hoạt nhiều sách lược tài tình, khéo lợi dụng mưu thuẫn giữa các kẻ thù, tranh thủ thời gian tạm hòa hoãn để có thời cơ xây dựng lực lượng vũ trang lớn mạnh, tạo điều kiện cho quân dân ta vững bước tiến vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp trên cả nước.

Hưởng ứng “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đêm 19/12/1946, quân và dân cả nước đồng loạt nổ súng đánh vào các vị trí của quân Pháp ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Rang, Mỹ Tho, Cần Thơ…

Đảng, Chính phủ, Hồ Chủ tịch và toàn dân ta đã tỏ rõ quyết tâm “Thà hy sinh tất cả, chứ không chịu mất nước,” kiên quyết đánh đuổi thực dân Pháp giành độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước.

Trung ương Đảng và Bác Hồ ra sức động viên xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, do Chỉ huy trưởng Võ Nguyên Giáp làm Tổng chỉ huy và không đầy một năm sau,quân ta đã đánh bại cuộc tiến công chiến lược lớn nhất của quân Pháp vào căn cứ địa Việt Bắc, đập tan chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của quân địch.

Với thành tích to lớn đó, ngày 20/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng và Chính phủ ký sắc lệnh phong quân hàm Đại tướng cho vị tổng chỉ huy lực lượng vũ trang Việt Nam Võ Nguyên Giáp.

Lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam ghi rằng: Khi trao Quân hàm Đại tướng cho Tổng chỉ huy trưởng Võ Nguyên Giáp, Bác rất xúc động, lấy khăn lau nước mắt và nói: “Bác thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trao cho chú chức vụ Đại tướng để chú lãnh đạo quân đội đánh thắng giặc Pháp.”

Trên cương vị Tổng chỉ huy lực lượng vũ trang, Đại tướng đã trực tiếp chỉ huy các chiến dịch : Việt Bắc Thu Đông 1947, Chiến dịch Biên giới, 1950, Hòa Bình,Tây Bắc, Thượng Lào…, lần lượt đánh bại 7 tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp, kết thúc cuộc kháng chiến thắng lợi, với Chiến dịch “Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.”

Chiến dịch Điện Biên Phủ là một mốc chói lọi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, lần đầu tiên phá vỡ một mảng thành trì bất khả xâm phạm của chủ nghĩa thực dân cũ trong thế kỷ XX, mở đầu phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa.

Tháng 9/1955, sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đảm nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Tổng tư lệnh, Bí thư Quân ủy Trung ương cho đến khi kết thúc hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thắng lợi.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước,ông là vị chỉ huy tài tình đã đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, đặc biệt là cuộc tấn công chiến lược “Điện Biên Phủ trên không Hà Nội” năm 1972 của Mỹ, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.

Trên chiến trường miền Nam, Đại tướng ngày đêm theo dõi từng bước đi của chiến sỹ. Dưới sự chỉ huy của Đại tướng quân ta đã dành thắng lợi trong Chiến dịch Đường Chín - Nam Lào năm 1971, đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân Lam Sơn 719, làm phá sản toàn bộ chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ.

Tháng 8/1974, Bộ Chính trị họp đề ra quyết tâm giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976. Ngay từ khi hoạch định kế hoạch, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp nhận định: Về hướng chiến lược nên chọn hai hướng: “Tây Nguyên và miền Tây Nam Bộ.”

Ngày 10/3/1975, quân ta bất ngờ đánh Buôn Ma Thuột, quân địch hoảng loạn vội vã rút khỏi Tây Nguyên.

Ngày 18/3/1975, Đại tướng đề nghị với Bộ Chính trị: “hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975, không chờ đến năm 1976. Ngày 24/3, Đại tướng lại đề đạt với Bộ Chính trị : “không cần chờ giải phóng xong Huế, phải bắt đầu mở ngay cuộc tiến công Đà Nẵng…, ở hướng Sài Gòn, lực lượng đã đủ, phải đặt yêu cầu giải phóng Sài Gòn trong tháng 5.”

Để động viên quân lính, Đại tướng viết bức mệnh lệnh lịch sử: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa/ Táo bạo, táo bạo hơn nữa/Tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam/Quyết chiến và quyết thắng…”

Tài năng quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp biểu hiện ở chỗ biết phát huy truyền thống đánh giặc của cha ông ta trong thời đại mới, lấy yếu chống mạnh, ấy ít cự nhiều, lấy binh lực nhỏ đánh thắng trận lớn và đánh chắc, thắng chắc.

Ông là người chủ soái biết phát hiện và phát huy đầy đủ sức mạnh của toàn thể lực lượng vũ trang từ cán bộ đến chiến sỹ , từ bộ đội chủ lực đến bộ đội địa phương, dân quân du kích, các quân chủng. binh chủng,trong cuộc chiến đấu hợp đồng toàn dân với kẻ thù có sức mạnh vật chất vượt qua ta một quá trình phát triển lịch sử.

Đạo dức của người cầm quân ở ông là biết quý từng giọt máu của can bộ, chiến sỹ, gắn bó với đồng đội, với nhân dân như tình ruột thịt. Sự trung thành của ông đối với dân tộc với Đảng, với Tổ quốc là tuyệt đối.

Nhà sử học người Anh Peter MacDonald trong cuốn sách “Lesdeux guerres d’Indochine, Paris, 1972” viết: “Võ Nguyên Giáp đã 30 năm làm Tổng tư lệnh quân đội và gần 50 năm tham gia vào những suy tính chính trị ở cấp cao nhất, đó là hai sự kiện chưa từng có trong lịch sử. Vả lại khó có thể so sánh ông với những tướng lĩnh khác, sự kết hợp giữa chiến tranh du kích và chiến tranh chính quyowr một trình độ như vậy trước đây chưa từng có.”

Tài năng của ông còn vượt ra ngoài lĩnh vực quân sự, ở bất cứ nhiệm vụ nào: ngoại giao, nội chính, khoa học kỹ thuật, văn hóa văn nghệ… được trao, hoặc có điều kiện tham gia, ông đều có những đóng góp dấng trân trọng, vì ông không ngừng nghĩ đến cái chung, đến sự nghiệp của dân tộc./.

Kỳ I: Võ Nguyên Giáp - Vị tướng giỏi ra đời vào mùa lũ
Kỳ II: Võ Nguyên Giáp: Quê hương nghĩa nặng, tình sâu
Kỳ III: Võ Nguyên Giáp: Thuở học trò của vị Đại tướng
Kỳ IV: Võ Nguyên Giáp: Lao tù là trường học cách mạng
Kỳ V: Võ Nguyên Giáp - Thầy giáo trường Thăng Long
Kỳ VI: Chỉ huy trưởng VN Tuyên truyền Giải phóng quân
Kỳ VII: Người Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam
Kỳ VIII: Vị Tổng chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử
Kỳ IX: Võ Nguyên Giáp trên con đường mòn Hồ Chí Minh
Kỳ X: Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Một tấm gương trong

Trần Huyền Thương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục