Nguy cơ bùng phát các dịch bệnh trong trường học là rất lớn

Nhà trường cần tổ chức khám sức khỏe cho học sinh, sinh viên hàng năm nhằm phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời, tránh lây lan trong cộng đồng; đặc biệt là bệnh lây qua đường hô hấp và tiêu hóa...
Nguy cơ bùng phát các dịch bệnh trong trường học là rất lớn ảnh 1Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai tiêm chủng mở rộng vắcxin tại trường học. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Ngày 27/8, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trương Đình Bắc cho biết để phòng bệnh hiệu quả cho trẻ, nhà trường cần phối hợp với ngành y tế để tăng cường hoạt động truyền thông giáo dục kiến thức, thay đổi hành vi; đồng thời tổ chức khám sức khỏe cho học sinh, sinh viên hàng năm nhằm phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời, tránh lây lan trong cộng đồng; đặc biệt là bệnh lây qua đường hô hấp và tiêu hóa...

Tại buổi gặp mặt báo chí về phòng chống dịch bệnh trong trường học, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trương Đình Bắc cho biết hiện nay, cả nước có khoảng trên 40.000 trường học với khoảng 20 triệu học sinh, sinh viên. Vì vậy, nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh trong trường học là rất cao do đây là nơi tập trung đông người và điều kiện vệ sinh trường học tại nhiều địa phương chưa được đảm bảo.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động chăm sóc sức khỏe học sinh, sinh viên (hiện mới có khoảng 50% các trường học trong cả nước có cán bộ y tế trường học); vệ sinh trường học nhiều nơi chưa đạt yêu cầu (như thiếu nhà vệ sinh, nước sạch, xà phòng...).

Theo Cục Y tế dự phòng, một số dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm trong học sinh, sinh viên mùa khai trường năm 2015 là bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh cúm, Ebola, MERS-CoV...

Bệnh sốt xuất huyết là bệnh nhiễm virus Dengue cấp tính do muỗi truyền và có thể gây thành dịch lớn. Đây là bệnh dịch lưu hành địa phương ở Việt Nam, nhất là ở các tỉnh Đồng bằng sống Cửu Long, đồng bằng Bắc Bộ và ven biển miền Trung. Bệnh xuất hiện quanh năm ở miền Nam và miền Trung, thường xảy ra từ tháng 4-11 ở miền Bắc và Tây Nguyên. Bệnh sốt xuất huyết thường có số mắc cao từ tháng 7-10 hàng năm. Mọi người chưa có miễn dịch đặc hiệu đều có thể bị mắc bệnh.

Để phòng bệnh trong trường học, ngành y tế cần tăng cường truyền thông các nội dung phòng bệnh sốt xuất huyết cho giáo viên, cán bộ, sinh viên, học sinh. Mỗi học sinh là một tuyên truyền viên tại gia đình. Hàng tuần, nhà trường phải kiểm tra tất cả những nơi có chứa nước trong khuôn viên trường học (bể nước dự trữ, bể nước cứu hỏa, bể nước nhà vệ sinh...); thực hiện tốt vệ sinh trường học, thu gom, loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải); theo dõi chặt chẽ sức khỏe của giáo viên, cán bộ, sinh viên, học sinh, trẻ em...

Từ năm 2013 đến nay, số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng trong cả nước đã giảm nhiều. Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus đường ruột gây ra. Bệnh dễ lây truyền từ người sang người theo đường tiêu hóa và tiếp xúc, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi.

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, để phòng bệnh tay chân miệng trong trường học, nhà trường cần phối hợp với ngành y tế vận động phụ huynh, học sinh thường xuyên thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, rửa tay bằng xà phòng tại hộ gia đình...

Các trường mẫu giáo, cơ sở trông giữ trẻ thường xuyên rửa sạch bàn tay cho trẻ và người trông trẻ; nhất là trước khi chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh, thay tã cho trẻ...; thường xuyên lau rửa sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, vật dụng học tập...

Ngoài ra, các dịch bệnh như cúm, Ebola, MERS-CoV cũng có nguy cơ bùng phát trong trường học nếu như không được dự phòng hiệu quả.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục