Nguy cơ giảm phát trở lại khi các nền kinh tế vật lộn với nợ

Mối lo về giá cả sụt giảm trong nền kinh tế thế giới đang “vật lộn” với nợ quay lại gây e ngại cho các nhà đầu tư và ngân hàng trung ương.
Nguy cơ giảm phát trở lại khi các nền kinh tế vật lộn với nợ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Bloomberg)

Mối lo về giá cả sụt giảm trong một thế giới đang “vật lộn” với nợ đã quay lại gây e ngại cho các nhà đầu tư và ngân hàng trung ương. Các thị trường hàng hóa và dầu mỏ lao dốc đang gióng lên hồi chuông cấp báo về nguy cơ giảm phát trở lại.

Cú sốc trên thị trường chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc) trong mùa Hè này cũng làm gia tăng mối lo ngại về tình trạng "hạ nhiệt" của kinh tế Trung Quốc sẽ dẫn tới sự giảm tốc mạnh trong tăng trưởng kinh tế thế giới. Trong khi đó, diễn biến của giá tiêu dùng đang làm "phai nhạt" giả định Mỹ sẽ sớm tăng lãi suất.

Mùa Xuân vừa qua, kịch bản giảm phát mờ dần với việc các nhà đầu tư tin tưởng thời kỳ giá dầu giảm đã qua và chuyển kênh đầu tư khỏi các trái phiếu chính phủ, với hy vọng dòng tiền từ các ngân hàng trung ương sẽ từng bước góp phần phục hồi nền kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, chỉ số Thomson Reuters Commodity Research Bureau về hàng hóa đã giảm 10% trong tháng 7/2015 xuống mức thấp nhất kể từ cuộc suy thoái toàn cầu đầu năm 2009.

Bruce Kasman, chuyên gia kinh tế hàng đầu tại JP Morgan cho hay các nhà đầu tư lo ngại giá hàng hóa suy giảm trong thời gian gần đây có thể là dấu hiệu về nguy cơ mất đà tăng trưởng kinh tế thế giới ngoài dự kiến.

Theo JP Morgan, tỷ lệ lạm phát thế giới chỉ ở mức 1,6% trong quý 2/2015, giảm từ mức 2% vào cuối năm 2014. Trong bối cảnh các nhà đầu tư đang băn khoăn trong việc lựa chọn hướng đi, thì giống như hàng hóa, các thị trường mới nổi đang đối mặt với tình trạng bán tháo và biến động gia tăng.

Sự thận trọng ngày càng tăng của giới đầu tư có thể tác động tới thị trường cổ phiếu, trong khi các thị trường trái phiếu đang tăng gần tới mức cao nhất trong nhiều thập niên qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục