Nguy cơ sạt lở, lũ quét rất cao ở tất cả các tỉnh vùng núi phía Bắc

Mưa kéo dài làm đất đã ngấm nước nên ở tất cả các tỉnh vùng núi phía Bắc đều có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, trong đó, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang có nguy cơ cao nhất.
Nguy cơ sạt lở, lũ quét rất cao ở tất cả các tỉnh vùng núi phía Bắc ảnh 1Hội nghị trực tuyến triển khai công tác ứng phó với mưa lũ. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, từ ngày 26/7-30/7, tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to làm thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là Quảng Ninh.

Mưa lũ đã làm 17 người chết, 8 người bị thương, 19 nhà sập đổ hoàn toàn, 3.700 nhà bị ngập, 1.065ha lúa, hoa màu và 433,3ha và 880 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, 33.600m3 đất đá sạt lở và nhiều điểm trên các tuyến đường giao thông bị ngập lụt.

Chiều 30/7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai Cao Đức Phát đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh trở ra để bàn các biện pháp đối phó với diễn biến phức tạp mưa lũ dự kiến sẽ xảy ra trong những ngày tới.

Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết từ nay đến hết ngày 31/7, mưa lớn sẽ tập trung ở các tỉnh Đông Bắc Bắc Bộ như Quảng Ninh, Lạng Sơn, với tổng lượng mưa khoảng 100-150mm, có nơi trên 200mm.

Từ đêm 31/7, mưa sẽ lan rộng thêm ra các tỉnh vùng núi Việt Bắc và Tây Bắc và kéo dài đến hết ngày 4/8. Tổng lượng mưa cả đợt này vào khoảng 100-300mm, có nơi 400-500mm.

Trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình từ ngày 31/7 đến 4/8 sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3-7 mét, ở hạ lưu từ 2-4 mét. Đặc biệt, trong đợt lũ này mực nước thượng lưu sông Thái Bình có khả năng lên mức báo động 2-3, sông Kỳ Cùng có khả năng lên lại mức báo động 2.

Ông Hoàng Đức Cường cảnh báo, do nhiều khu vực có mưa kéo dài làm đất đã ngấm nước nên có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở tất cả các tỉnh vùng núi phía Bắc. Trong đó các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang là những địa phương có nguy cơ cao nhất.

Mưa còn có thể gây ngập úng ở các vùng trũng, thấp, ven sông suối, ngập lụt ở đô thị Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định.

Hiện nay, các địa phương có khả năng chịu ảnh hưởng lớn của đợt mưa này đang khẩn trương triển khai công tác ứng phó. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho biết, Quảng Ninh hiện đang nỗ lực khắc phục hậu quả của đợt mưa lớn gây ra những ngày trước đồng thời tích cực triển khai công tác ứng phó với diễn biến phức tạp của đợt mưa này.

Tỉnh đã tổ chức trực ban phòng, chống thiên tai 24/24 giờ, tổ chức sơ tán những hộ dân ở những khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất đến nơi an toàn. Đặc biệt là không để các hộ dân đã sơ tán quay lại vị trí cũ khi chưa kết thúc đợt mưa này.

Theo bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Công điện về phòng, chống mưa lũ và cử các thành viên trong Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh xuống cơ sở để kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống mưa lũ.

Ngoài ra, tỉnh Lạng Sơn cũng khẩn trương tiến hành rà soát lại những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để tiến hành sơ tán dân. Đến thời điểm này, tỉnh Lạng Sơn đã có 1 cháu bé (10 tuổi) ở xã Bằng Hữu, huyện Chi Lăng bị cuốn trôi, hơn 350ha hoa màu bị thiệt hại, nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở với khối lượng trên 4.000m3.

Kết thúc cuộc họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị tỉnh Quảng Ninh tiếp tục các biện pháp khắc phục hậu quả thiệt hại do mưa lũ, tìm biện pháp đưa du khách về đất liền.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh các địa phương cần theo dõi sát thông tin cảnh báo về mưa lũ, thông báo đến từng hộ gia đình và từng người dân; chỉ đạo tuyến huyện, xã kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, tổ chức sơ tán dân tại những khu vực nguy hiểm và cần quan tâm đến những hộ dân sống ở ven sông, suối; tăng cường công tác kiểm tra đảm bảo an toàn hồ.

Đối với các hồ chứa đã đầy nước và có nguy cơ cao thì cần bố trí lực lượng thường trực, theo dõi và vận hành một cách hợp lý để đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du; cần kiểm tra và có biện pháp xử lý những điểm không an toàn; triển khai các phương án tiêu nước đệm, tiêu úng đảm bảo sản xuất nông nghiệp và tiêu thoát nước đô thị tại các thành phố lớn.

Bộ Công Thương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh để mời các chuyên gia đánh giá tình trạng sạt lở của các bãi thải than; chỉ đạo tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam kiểm tra các hầm mỏ để đảm bảo an toàn.

Bộ Thông tin và Truyền thông bố trí lực lượng, phương tiện để đảm bảo công tác thông tin. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và các địa phương bố trí lực lượng, phương tiện ứng cứu tại các vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng.

Các địa phương bố trí trực ban 24/24h, thường xuyên giữ thông tin liên lạc với Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn để phối hợp chỉ đạo./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục