Nguyên nhân cá chết trên sông Chà Và có thể do thiếu ôxy

Kết quả mổ khám các mẫu cá chết cho thấy hầu hết các mẫu không có hiện tượng xuất huyết bên trong, nội tạng không bị bệnh nhưng bao tử rỗng, mang cá có hiện tượng tổn thương nhẹ do thiếu ôxy.
Nguyên nhân cá chết trên sông Chà Và có thể do thiếu ôxy ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Đậu Tất Thành/TTXVN)

Liên quan đến vụ việc cá chết hàng loạt trên sông Chà Và (xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu) thời gian gần đây, ông Huỳnh Văn Thêm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết ngay sau khi nhận được thông tin cá lồng bè trên sông Chà Và chết hàng loạt, Chi cục Thú y phối hợp với Chi cục Nuôi trồng thủy sản đã khảo sát, lấy mẫu xét nghiệm để tìm nguyên nhân.

Theo thống kê sơ bộ, tính đến ngày 26/8, có 8 hộ nuôi cá lồng bè trên tiểu khu 4 và 8 có cá chết với số lượng ước tính khoảng 35.000 con cá chim (cỡ 350-400g/con) và khoảng 5.000 con cá bớp (300g đến 7kg/con).

Trường hợp hộ ông Huỳnh Văn Sa (tiểu khu nuôi số 8) bị thiệt hại nặng nhất, với 13.000 con cá chim, ước khoảng hơn 600 triệu đồng. Tiếp đến là hộ ông Nguyễn Văn Đại (tiểu khu nuôi số 8) có 10.000 con cá chim trọng lượng trung bình 300g/con bị chết.

Ước tính thiệt hại ban đầu trong ngày 26/8 là khoảng 3,5 tỷ đồng.

Qua quan sát, đánh giá cảm quan chất lượng nguồn nước và lấy mẫu cá chết để mổ khám, kết quả cho thấy hầu hết các mẫu không có hiện tượng xuất huyết bên trong. Các bộ phận nội tạng của cá không có dấu hiệu bị bệnh. Cá bỏ ăn, bao tử rỗng, mang cá có hiện tượng tổn thương nhẹ do thiếu ôxy.

Đoàn công tác đã tiến hành lấy 3 mẫu nước, 3 mẫu cá tại bè thuộc các khu vực khác nhau xét nghiệm, phân tích tìm nguyên nhân gây chết cá.

Trong thời gian tới, các cơ quan chuyên môn tiếp tục theo dõi, giám sát để giảm thiểu thiệt hại, từng bước khắc phục và ổn định sản xuất.

Chi cục Thú y khuyến cáo các hộ nuôi cá lồng bè cần tăng cường sục khí để tăng hàm lượng ôxy hòa tan trong nước cho cá, nhất là thời điểm con nước đứng. Đặc biệt chú ý lúc nửa đêm trở về sáng vì thời điểm này hàm lượng ôxy trong nước giảm thấp nhất trong ngày.

Các hộ nuôi phải vệ sinh sạch sẽ lưới của các lồng để tăng cường sự trao đổi nước, giúp lồng thông thoáng hơn; thu gom xác cá chết và xử lý theo quy định, không vứt xác cá chết trôi nổi trên sông, tránh gây ảnh hưởng đến các hộ nuôi khác.

Chi cục đã đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên-Môi trường kiểm tra, giám sát nguồn nước tại khu vực trên; đồng thời đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Vũng Tàu, Ủy ban Nhân dân xã Long Sơn tiếp tục hướng dẫn người dân các biện pháp khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất.

Các hộ nuôi trồng thủy sản khi phát hiện nguồn nước ô nhiễm, cá chết thì nhanh chóng báo chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn để tìm nguyên nhân, thực hiện các giải pháp nhằm tránh thiệt hại nặng nề về kinh tế./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục