Nguyên tắc đối ngoại là vì lợi ích quốc gia, dân tộc

Ông Hoàng Bình Quân nhấn mạnh yêu cầu đặt ra cho công tác đối ngoại là khi triển khai phải luôn “vì lợi ích quốc gia, dân tộc.”
Đại hội XI của Đảng đã đề ra đường lối phát triển đất nước trong thời kỳ mới, trong đó có đường lối đối ngoại với nhiều nội dung quan trọng, đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới cho công tác đối ngoại nói chung, nhất là công tác đối ngoại Đảng trong tình hình hiện nay.

Ông Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương đã trả lời phỏng vấn của TTXVN về chương trình, kế hoạch hành động nhằm tích cực triển khai đường lối đối ngoại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

- Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam có nhiều điểm mới quan trọng. Xin ông cho biết từ những điểm mới đó sẽ đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ như thế nào trong công tác đối ngoại nói chung, nhất là công tác đối ngoại Đảng trong tình hình hiện nay?

- Ông Hoàng Bình Quân: Đường lối đối ngoại của Đảng được thông qua tại Đại hội XI vừa qua là sự kế thừa và phát triển đường lối đối ngoại qua các thời kỳ, nhất là của 25 năm Đổi mới, trong đó có ba điểm mới hết sức quan trọng, đó là: Đảng ta đã phát triển chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác” của Đại hội IX và Đại hội X thành chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.”

Từ chủ trương Việt Nam “là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế,” Đảng ta đã phát triển thành chủ trương Việt Nam “là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.”

Về quan hệ đối ngoại của Đảng, bên cạnh việc phát triển quan hệ với các đảng cộng sản, công nhân, đảng cánh tả, các đảng cầm quyền, Đảng ta cũng chủ trương phát triển quan hệ với những đảng khác. Đây là bước phát triển rất quan trọng về đường lối đối ngoại của Đảng ta, phù hợp với những biến động của tình hình thế giới hiện nay và dự báo những năm sau, phù hợp với thực tế của đất nước, với yêu cầu của công cuộc đổi mới trong giai đoạn hiện nay.

Những điểm mới này đặt ra những yêu cầu và nhiệm vụ rất mới cho ngành đối ngoại-ngoại giao nói chung và đối ngoại đảng nói riêng. Có thể nêu một cách khái quát mấy điểm cơ bản sau đây: Thứ nhất, tích cực thực hiện chủ trương lớn của chúng ta là triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động đối ngoại. Theo đó, giải pháp lớn là phối hợp chặt chẽ, hài hòa, hiệu quả ba trụ cột đối ngoại là đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Triển khai công tác đối ngoại trên bình diện rộng, với yêu cầu kết hợp hài hòa đối ngoại chính trị với ngoại giao kinh tế, đối ngoại quốc phòng, an ninh, văn hóa đối ngoại.

Thứ hai, một yêu cầu lớn đặt ra cho công tác đối ngoại nói chung và đối ngoại đảng nói riêng là khi triển khai các hoạt động cụ thể phải luôn luôn “vì lợi ích quốc gia, dân tộc” và “vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh.” Khẳng định lợi ích quốc gia, dân tộc là mục tiêu đối ngoại cũng có nghĩa là đặt lợi ích quốc gia, dân tộc là nguyên tắc cao nhất của các hoạt động đối ngoại.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, nhiệm vụ bao trùm của công tác đối ngoại là giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Ngành ngoại giao-đối ngoại cần xây dựng chương trình hành động rất cụ thể để triển khai thực hiện trong suốt thời gian của nhiệm kỳ khóa XI và những năm tiếp theo, trong đó cần hết sức chú ý: “Thúc đẩy giải quyết các vấn đề tồn tại về biên giới, lãnh thổ, ranh giới biển và thềm lục địa với các nước liên quan trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử của khu vực; làm tốt công tác biên giới, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển.”

Thứ ba, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nỗ lực để xứng đáng là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế đòi hỏi chúng ta phải bản lĩnh, giữ gìn bản sắc, có sự chuẩn bị toàn diện về khả năng, tiềm lực, hệ thống pháp luật, hành chính, đội ngũ nhân lực và xác định lộ trình hội nhập... đáp ứng được những đòi hỏi của hội nhập sâu rộng, đồng thời luôn chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình hội nhập; đòi hỏi các cơ quan làm công tác đối ngoại-ngoại giao, đội ngũ, lực lượng tác nghiệp phải vươn lên về mọi mặt, có đủ khả năng hiểu rõ đối tác, đối tượng, địa bàn, lĩnh vực trong bối cảnh thế giới có rất nhiều chuyển biến và chuyển biến nhanh chóng như hiện nay, chủ động trong tình huống, chủ động trong triển khai hợp tác.

Thứ tư, phải rất coi trọng công tác nắm diễn biến tình hình, phân tích sâu sắc tình hình, dự báo sát những diễn biến trên thế giới và của các quốc gia, nhất là những đối tác lớn để triển khai các hoạt động đối ngoại một cách chủ động, có tầm chiến lược, sớm xây dựng chiến lược tổng thể về hội nhập quốc tế, xác định rõ mục tiêu, quan điểm, lộ trình, lực lượng, v.v... của hội nhập.

Thứ năm, tích cực đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại, theo đó cần chú trọng thông tin cho bạn bè thế giới hiểu rõ, hiểu đúng về đường lối đổi mới, đường lối đối ngoại của Việt Nam, về thành tựu của 25 năm đổi mới, về quan điểm, lập trường của Việt Nam về các vấn đề quốc tế, đồng thời chủ động tuyên truyền, góp phần kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu hành động chống phá, can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị của Việt Nam.

Thứ sáu, chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong ngoại giao đa phương theo hướng vừa chủ động mở rộng, vừa nâng cao chiều sâu, chuẩn bị tốt để sẵn sàng đối thoại với các nước, nhất là trên các lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, chủ quyền. Chủ động và nâng cao hiệu quả việc tham gia các cơ chế, tổ chức, diễn đàn khu vực, đa phương và toàn cầu, phát huy vai trò, trách nhiệm của Việt Nam trong khu vực, nhất là trong ASEAN.

Thứ bảy, trong lĩnh vực đối ngoại Đảng, cần tiếp tục phát triển sâu rộng quan hệ với các chính đảng trên thế giới; thúc đẩy quan hệ với các đảng cộng sản và công nhân, các đảng cánh tả đi vào chiều sâu và thực chất hơn; mở rộng quan hệ với các đảng cầm quyền, các đảng tham chính và các đảng khác ở các quốc gia, nhất là ở những nước lớn, có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của ta; chủ động và tích cực hơn trong việc tham gia các diễn đàn đa phương chính đảng ở khu vực và thế giới. Quan hệ Đảng vừa cần mở rộng bình diện quan hệ, vừa đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, vừa đáp ứng quan hệ đối ngoại trước mắt, vừa linh hoạt thích ứng với những chuyển biến hết sức nhanh chóng trên chính trường của các quốc gia trên thế giới.

Thứ tám, trước tình hình thế giới hiện nay, cần phải "coi trọng và nâng cao hiệu quả của công tác ngoại giao nhân dân"; phối hợp chặt chẽ hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Các cấp, các ngành, các đoàn thể và tổ chức nhân dân cần quán triệt sâu sắc và thực hiện thật tốt Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 06/7/2011 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới”, nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò và lợi thế của đối ngoại nhân dân theo phương châm "chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả", hỗ trợ, phối hợp hiệu quả với đối ngoại Đảng và ngoại giao nhà nước.

- Xin ông cho biết Ban Đối ngoại Trung ương đã có chương trình, kế hoạch cụ thể gì nhằm hiện thực hóa các chủ trương, đường lối đối ngoại mà Đại hội XI của Đảng đã đề ra?


- Ông Hoàng Bình Quân:
Để hiện thực hóa các chủ trương, đường lối đối ngoại mà Đại hội XI của Đảng đã đề ra, ngay sau Đại hội kết thúc, Ban Đối ngoại Trung ương đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, theo đó, Ban Đối ngoại Trung ương sẽ tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả một số trọng tâm sau:

Tổ chức các lớp nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng cho toàn thể cán bộ, đảng viên trong cơ quan, Đảng bộ. Phối hợp với Bộ Ngoại giao nghiên cứu xây dựng kế hoạch mở các lớp bồi dưỡng và cập nhật kiến thức đối ngoại cho đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại ở các cấp, các ngành, các địa phương.

Chủ trương lớn nhất và cụ thể nhất là trình Bộ Chính trị phê duyệt và tổ chức triển khai Đề án “tăng cường quan hệ đối ngoại của Đảng ta trong tình hình mới” theo một số hướng lớn: đưa quan hệ Đảng đi vào chiều sâu làm nền tảng chính trị, cơ sở thúc đẩy quan hệ nhà nước, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm quan hệ, trước hết là dành ưu tiên cao nhất cho việc phát triển quan hệ giữa Đảng ta với các Đảng anh em ở các nước láng giềng có chung biên giới (Lào, Trung Quốc, Campuchia) đi vào chiều sâu, ổn định, có hiệu quả và bền vững; đồng thời, coi trọng thúc đẩy và nâng cao hiệu quả quan hệ với các đảng cộng sản, công nhân, các đảng cánh tả, mở rộng quan hệ với các đảng cầm quyền, các đảng tham chính nhằm hỗ trợ hiệu quả cho việc mở rộng và phát triển quan hệ ngoại giao nhà nước; bên cạnh đó, chủ động và tích cực thúc đẩy và mở rộng quan hệ với các đảng khác nhằm tranh thủ tiếng nói ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với công cuộc đổi mới của nước ta.

Xây dựng kế hoạch và củng cố lực lượng để tăng cường công tác nắm diễn biến tình hình thế giới, tình hình các đảng, nghiên cứu, dự báo tình hình quốc tế, nhất là công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược để kịp thời đề xuất những chủ trương, chính sách, đối sách của ta trong quan hệ với các đảng và các nước trên thế giới.

Tổ chức thực hiện các hoạt động đối ngoại Đảng, trọng tâm là các hoạt động của đồng chí Tổng Bí thư, các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Đảng ta với các đảng, nhất là với các đảng cộng sản cầm quyền ở các nước xã hội chủ nghĩa và các nước láng giềng có chung biên giới (Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Nhân dân Campuchia, Đảng Cộng sản Cuba) và các đảng cầm quyền ở các nước lớn, các nước có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Đẩy mạnh các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, đảm bảo sự kết hợp hài hòa giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân.

Theo đó, Ban Đối ngoại Trung ương sẽ tiếp tục tổ chức và theo dõi việc thực hiện Quy chế về quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại của Đảng ban hành kèm theo Quyết định số 295-QĐ/TW ngày 23/3/2010 của Bộ Chính trị (khóa X), nâng cao chất lượng xây dựng chương trình hoạt động đối ngoại hàng năm của các cơ quan, bảo đảm tính khoa học, thiết thực, hiệu quả; làm tốt chức năng thẩm định và tham gia thẩm định các đề án về lĩnh vực đối ngoại của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể ở Trung ương; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách về công tác đối ngoại của Đảng đối với các tỉnh, thành ủy, các ban Đảng, Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương; tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại và các công tác khác có liên quan trực tiếp đến đối ngoại.

Làm tốt công tác tham mưu cho Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân theo phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả”; khẩn trương xây dựng Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 04-CT/TW ngày 06/7/2011 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới”, theo đó, Ban sẽ có kế hoạch hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành, các địa phương, các đoàn thể chính trị-xã hội và tổ chức nhân dân xây dựng Chương trình cụ thể quán triệt và thực hiện Chỉ thị này của Ban Bí thư.

Để hoàn thành tốt các trọng tâm công tác nêu trên, một mặt Ban Đối ngoại Trung ương phải biết phát huy tối đa khả năng của đội ngũ cán bộ hiện có của Ban; đồng thời, phải chủ động tăng cường phối hợp chặt chẽ với các ban xây dựng đảng ở Trung ương, các cơ quan trong ngành đối ngoại và các cơ quan liên quan khác.

- Trân trọng cảm ơn ông./.


(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục