"Nhà có 5 anh em": Hay, vẫn cần chỉnh cho chuẩn

Không hẳn là "Không có vua" của Nguyễn Huy Thiệp lên sân khấu dù cùng day dứt, ngơ ngác với cả mớ nỗi đau... Vở diễn cần "chỉnh" thêm.
Đêm diễn ra mắt “Nhà có 5 anh em trai” kết thúc, diễn viên đồng loạt gạt nước mắt mà chưa "thoát" khỏi vai diễn và khán giả đứng mãi không ra về đã là thành công của Đoàn Kịch I - Nhà hát Tuổi trẻ.

Chỉ là cảm tác


Vở diễn được giới thiệu là "Không có vua" của Nguyễn Huy Thiệp lên sân khấu. Nhưng phải thực sự có mặt khóc cười cùng năm anh em nhà Sĩ trên sân khấu thì mới thấy “Nhà có 5 anh em trai” khác rất nhiều chuyện cha con nhà ông Kiền.

Kịch bản được cảm tác từ truyện ngắn “Không có vua” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chứ không phải là chuyển thể nên có khá nhiều điểm không trùng. Một số khán giả mê "Không có vua" đã hồ nghi rằng lên sân khấu thì chắc gì đã còn "chất" văn Nguyễn Huy Thiệp nhưng phải đi xem mới thấy không cần mất công "so đọ" vì không phải "hai trong một" mà chỉ là kịch có những nét "kế thừa" từ "Không có vua" ra đời hơn 20 năm trước.

Không chỉ xuất phát như ở truyện ngắn là cảnh nhà mất mẹ khi sang kịch lại là nhà mất bố mà còn khác khá nhiều chi tiết. Ví dụ như việc gia đình của năm anh em trên sân khấu có nghề làm giò chả gia truyền. Cho dù với chi tiết này các tác giả không nên đào sâu vào việc có nhân vật thất nghiệp đi làm thuê đủ thứ như Tình, đi làm xe ôm như Dân... Cũng có thể là làm kinh tế hộ gia đình này không hết "công suất" song đã dựng cảnh năm anh em phụ mẹ giã giò khi mở màn thì rất nên có lý giải tại sao các thành viên lại thiếu việc làm đến thế.

Năm người đàn ông, với năm cái tên khác trong truyện "Không có vua," anh cả Sĩ bán hàng giò chả, Tình đi tù về đầy xung khắc với đời. Dân xe ôm là kiểu người nghĩa hiệp. Phúc bị khoèo tay, động kinh và thiểu năng trí tuệ. Và Đức đang là sinh viên với những ham chơi, ích kỷ...

Ngũ hổ tướng và một cô dâu hiền

Người xem thấy được thêm nhiều những góc khuất trong cuộc sống của những người dân nơi thành phố trong căn nhà nhỏ bé, những người đàn ông trưởng thành được ví như 'ngũ hổ tướng" sống bên nhau bỗng nảy sinh những va đập tới tấp khi xuất hiện một cô gái 25 tuổi về làm vợ anh cả Sĩ. Diễn viên trẻ Thu Trang diễn vai Xuân khá đạt.

Nhân vật Tình (Tùng Linh thể hiện) lúc nào cũng hằn học, gây chuyện và "bất đắc chí" một cách ác tâm. Tình dám nhiều lần "tấn công" cả chị dâu của mình. Không chỉ vì dục vọng thấp hèn mà còn có "lý luận nanh ác" rằng muốn chứng minh thời nay không còn đàn bà đức hạnh.

Đặc biệt có nhân vật Dân xe ôm (Trần Hoàng thể hiện) là người đủ uy và lực để "điều khiển" những lệch lạc khi Tình ngang ngược, Đức ăn trộm... Có lẽ ở mỗi nhà, mỗi nơi đều cần có người như Dân để bảo vệ trật tự và luân thường đạo lý.

Phúc ngây thơ trẻ con. Vì thế mà Phúc trong sáng, thiện tâm nhất nhà. Phúc vì đỡ mũi dao oán giận và ghen tuông của Sĩ nhằm vào Tình nên mất mạng. Phúc chết, cũng là điểm khác biệt cơ bản của “Nhà có 5 anh em trai”"Không có vua." Phần kết của vở kịch được diễn tốt với nước mắt của tất cả diễn viên. Nhiều khán giả ra tận chỗ gửi xe vẫn sụt sùi.

Hẳn các tác giả muốn gửi gắm, đằng sau tất cả những thói xấu, sự nhỏ nhen, đáng xấu hổ vẫn là tình yêu thương máu mủ mặn mòi. Nhưng điều này chưa rõ lắm qua diễn xuất có phần hơi căng. Ai cũng "gào thét" cùng một tông. Sự cảm thông và sẻ chia tạo thành trong thế "tương sinh, tương khắc" lẫn nhau chưa rõ. Câu chuyện về năm anh em ruột đánh nhau, thậm chí ngộ sát nhau này đã làm day dứt lòng người.

Theo chị Minh Anh, một khán giả yêu sân khấu ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội: "Khả năng diễn xuất của dàn diễn viên trong vở diễn 'Nhà có 5 anh em trai' đêm đầu lên sàn như biểu đồ đi lên. Ban đầu hơi gượng, cứng nhưng càng cuối càng nhập vai. Gần kết thì có xuất thần đến mức khán giả thấy bất ngờ vì bỗng bị cuốn vào sâu hơn với các trạng thái."

Đặc biệt diễn viên Anh Quân đóng vai Phúc thành công gây kinh ngạc về diễn xuất động kinh, diễn khi bị kiến đốt nằm run tấy, khi bị trúng mũi dao và giẫy chết...

Vở diễn còn "tự nhiên chủ nghĩa"

Theo NSƯT Vương Duy Biên -  Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), đây là một vở kịch có nội dung được và đến phần cuối diễn khá xúc động. Tuy nhiên, giá như các tác giả và các nghệ sĩ diễn sắc nét hơn thì tốt. Ví dụ như nhân vật bà mẹ rút ra khỏi vở kịch cũng không thấy thiếu bao nhiêu. Trong khi đó vai Phúc diễn rất tốt.

"Về gia đình này, lúc như có nề nếp lúc lại như hỗn quân. Ngoài ra, về hình thể biểu diễn có vẻ như tự nhiên chủ nghĩa quá. Đó là đoạn Tình đòi các anh em phải 'chung' vợ với anh cả. Cách bài trí sân khấu cũng làm vở kịch chưa hợp lý, không có được ấn tượng cần thiết," NSƯT Vương Duy Biên nói.

Phóng viên Vietnam+ đặt câu hỏi đánh giá vở diễn với ông Nguyễn Đăng Chương -  Cục Phó Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thì ông Chương tỏ ra có khá nhiều băn khoăn về mỹ thuật, về diễn xuất. Theo ông Chương, thẩm mỹ sân khấu cần chỉnh sửa nhiều để nâng tầm vở diễn.

Một nhà báo chuyên viết về sân khấu, khi được hỏi lại cho rằng: "Vở diễn này có cái để xem. Việc chỉnh sửa các bản diễn với sân khấu là đương nhiên và không hề khó. Buổi diễn sau đã có thể khác buổi diễn trước nhiều rồi. Diễn tự nhiên thì nhiều xúc cảm cũng có cái hay. Tôi thì lại lo những đêm diễn sau diễn viên có kỹ thuật rồi thì không còn cảm xúc được như vậy."

"Được biết, sau buổi đầu lên sàn duyệt vở sẽ có tới 10 ngày cho vở diễn này hoàn thiện để ra mắt công chúng tại sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ. Muốn 'chuốt' vừa thẩm mỹ các nhà chuyên môn thì cần có thêm các lần diễn mới. Nếu là điện ảnh, sau hậu kỳ thì lo ngại chứ ở sân khấu việc chỉnh sửa là đương nhiên," nhà báo này nói thêm./.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục