Nhà đầu tư bán ra chốt lời, chứng khoán giảm điểm

Chứng khoán châu Á đã phần lớn giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 7/2, trong bối cảnh nhà đầu tư tích cực bán ra chốt lời.
Chứng khoán châu Á đã phần lớn giảm điểm trong phiên giao dịch 7/2, trong bối cảnh nhà đầu tư tích cực bán ra chốt lời sau khi các cổ phiếu có thêm một phiên tăng điểm mạnh ngày hôm trước.

Thị trường có ý chờ đợi các số liệu kinh tế chủ chốt dự kiến được công bố tại Trung Quốc vào ngày mai (8/2), trước khi tất cả các hoạt động kinh doanh và buôn bán tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đóng cửa nghỉ Tết Nguyên đán.

Bắc Kinh dự kiến sẽ công bố số liệu về thương mại và lạm phát, qua đó cung cấp một bức tranh rõ nét hơn về hiện trạng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau khi một loạt số liệu kinh tế tích cực mới đây cho thấy Trung Quốc đã trở lại đường ray tăng trưởng nhanh và ổn định sau một thời gian "đuối sức."

Giới đầu tư hiện cũng đang dồn chú ý vào cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), nhóm họp vào cuối ngày hôm nay (7/2), được các chuyên gia dự báo là sẽ không có thay đổi gì về mức lãi suất hiện hành, cũng như không có thêm biện pháp nới lỏng tiền tệ mới nào, bất chấp những lo ngại rằng kinh tế khu vực có thể tăng trưởng chậm cũng như nhu cầu phải củng cố sức mạnh của đồng tiền chung châu Âu (euro).

Đóng cửa phiên 7/2, hầu như tất cả các sàn chủ chốt trong khu vực đã đảo chiều mất điểm, trong đó Nikkei 225 quay đầu giảm 0,93% (106,68 điểm) xuống 11.357,07 điểm mặc dù trong phiên đã có lúc tăng được tới gần 4%, lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2008 trong bối cảnh đồng yen đã nhích lên một chút sau nhiều phiên liên tục mất giá gần đây.

Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite giảm 0,66% (15,95 điểm) xuống 2.418,53 điểm, chủ yếu do sự mất giá của các cổ phiếu bất động sản khi nhà đầu tư lo lắng về việc chính phủ có thể đưa ra một số giải pháp nhằm làm dịu lại thị trường nhà đất.

Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng mất 0,34% (79,93 điểm) xuống 23.177 điểm.

Chỉ có S&P/ASX200 của Australia là lội ngược dòng khi tiến thêm được 0,30% (+14,7 điểm) lên 4.935,7 điểm.

Thị trường Đài Loan phiên này bắt đầu đóng cửa cho kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Đêm trước (6/2) tại Mỹ, chứng khoán Phố Wall cũng biến động trái chiều mặc dù thị trường đón nhận những báo cáo lợi nhuận tích cực từ một số doanh nghiệp niêm yết.

Đóng cửa phiên 6/2, Dow Jones Industrial Average tăng 7,22 điểm (0,05%) lên 13.986,52 điểm; S&P 500 tăng nhẹ 0,83 điểm (0,05%) lên 1.512,12 điểm, trong khi Nasdaq Composite để mất 3,10 điểm (0,10%) xuống 3.168,48 điểm.

Cùng ngày tại châu Âu, các thị trường chứng khoán trong khu vực phần lớn đi xuống, trừ thị trường Anh, nhờ giá cổ phiếu của Ngân hàng Royal Bank of Scotland (RBS) tăng bất chấp việc ngân hàng này đang phải đối mặt với khoản phạt lớn quanh vụ bê bối về lãi suất liên ngân hàng London (Libor).

Nhà chức trách Anh và Mỹ ngày 6/2 đã quyết định phạt RBS 390 triệu bảng (612 triệu USD) vì dính líu đến vụ thao túng lãi suất Libor. RBS sẽ phải nộp 87,5 triệu bảng (140 triệu USD) cho Cơ quan dịch vụ tài chính Anh (FSA) và hơn 300 triệu bảng (480 triệu USD) cho Bộ Tư pháp và Ủy ban hàng hóa kỳ hạn Mỹ. Khoản tiền phạt này cao hơn 100 triệu bảng so với mức phạt 290 triệu bảng (450 triệu USD) mà Anh và Mỹ áp dụng đối với một "đại gia" ngân hàng khác của Anh là Barclays hồi tháng 6/2012 với hành vi vi phạm tương tự.

Tuy nhiên, bất chấp vụ bê bối này, giá cổ phiếu của RBS vẫn tăng tới 1,36% trong phiên, giúp chỉ số FTSE 100 của Anh không bị chìm vào sắc đỏ như các chỉ số khác trong khu vực.

Đóng cửa phiên 6/2, FTSE 100 của Anh phục hồi nhẹ về cuối phiên, tăng được 0,20% lên 6.295,34 điểm; DAX của Đức trượt 1,09% về 7.581,18 điểm và CAC 40 của Pháp lùi mạnh 1,4% về 3.642,90 điểm./.

Thùy Chi (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục