Nhà khoa học trong nước nghiên cứu làm “máy đuổi chim” nghìn tỷ đồng

Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Cục cũng phối hợp với các nhà khoa học trong nước để nghiên cứu hệ thống phát hiện vật thể lạ ở sân bay.
Nhà khoa học trong nước nghiên cứu làm “máy đuổi chim” nghìn tỷ đồng ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Cục đang phối hợp với các nhà khoa học trong nước để nghiên cứu hệ thống phát hiện vật thể lạ ở sân bay.

Về hệ thống cảnh báo phát hiện vật thể lạ trên đường băng, tại cuộc họp báo quý 1/2017 của Bộ Giao thông Vận tải tổ chức chiều nay (5/4), theo ông Thanh, hiện nay, trên thế giới, các nhà sản xuất hệ thống phát hiện vật thể lạ ở sân bay không nhiều (chỉ có 3 nhà cung cấp chuyên biệt về hệ thống này).

“Cục Hàng không đã nhận được 3 báo giá của các nhà sản xuất nước ngoài và báo cáo lên Bộ Giao thông Vận tải. Đây mới là giá chào hàng ở giai đoạn xin chủ trương đầu tư mà không phải giá quyết định để đầu tư,” ông Thanh nói.

Cục trưởng Cục Hàng không cho biết mức giá các nhà cung cấp đưa ra cần phải được thẩm định, kiểm chứng theo đúng pháp luật đầu tư. Sau đó, sẽ tiến hành đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà thầu.

Không chỉ liên hệ với các nhà cung cấp nước ngoài, theo ông Thanh, Cục Hàng không rất tích cực phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu triển khai sản xuất hệ thống này. Các nhà khoa học khẳng định không quá khó để sản xuất hệ thống này. Bộ Giao thông Vận tải tạo điều kiện cho các nhà khoa học triển khai, nghiên cứu và thử nghiệm tại hiện trường để lắp đặt thử, sau đó thẩm định kỹ thuật và cấp giấy phép và thực hiện tham gia đấu thầu.

“Chưa chắc chắn giá thành rẻ hơn 50% nhưng chắc sẽ giảm hơn so với báo giá của 3 nhà sản xuất quốc tế,” ông Thanh tiết lộ.

Cho rằng việc sản xuất và đưa vào khai thác rất mất nhiều thời gian, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị về mặt chủ trương đầu tư giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) nghiên cứu triển khai, trong trường hợp chưa có nhà sản xuất trong nước thì tham gia đấu thầu quốc tế, khi nội địa làm được sẽ tiến hành đấu thầu bình đẳng.

Cuối tháng Ba vừa qua, Cục Hàng không vừa tái đề xuất Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự án hệ thống phát hiện vật thể lạ với mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng theo hình thức xã hội hóa.

Dự án này có mục tiêu hạn chế và loại bỏ các sự cố gây nguy hiểm trên đường cất hạ cánh do vật thể lạ, chim, động vật hoang dã xâm nhập và dự kiến triển khai tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục