Nhà Trắng cảnh báo nguy cơ chia rẽ sắc tộc ở cuộc chiến chống IS

Nhà Trắng nhận định khả năng chia rẽ giáo phái sau chiến dịch tái chiếm Tikrit từ IS sẽ làm suy yếu năng lực đương đầu với mối đe dọa quốc gia của Chính phủ Iraq.
Nhà Trắng cảnh báo nguy cơ chia rẽ sắc tộc ở cuộc chiến chống IS ảnh 1Binh sỹ Iraq tại một vị trí ở tỉnh Diyala ngày 2/3, trong cuộc tấn công nhằm giành lại quyền kiểm soát thủ phủ Tikrit từ phiến quân IS. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cuộc tấn công của quân đội Iraq nhằm chiếm lại thủ phủ Tikrit thuộc tỉnh miền Bắc Salahudin từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng không được kích động sự chia rẽ sắc tộc tại đây.

Đây là cảnh báo của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 4/3.

Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Ernest nhận định khả năng chia rẽ giáo phái sau chiến dịch tái chiếm Tikrit sẽ làm suy yếu năng lực đương đầu với mối đe dọa quốc gia của Chính phủ Iraq.

Ông Ernest nhắc lại lời của Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cho rằng không nên để một số cá nhân lợi dụng chiến dịch làm "vỏ bọc" trả thù với động cơ gây chia rẽ giáo phái.

Theo người phát ngôn Nhà Trắng, chiến dịch tái chiếm Tikrit được tiến hành bởi một lực lượng "đa sắc tộc."

Ngoài quân đội Iraq và các tay súng bộ lạc Hồi giáo dòng Sunni địa phương, tham gia chiến dịch lần này còn có nhóm vũ trang người Shi'ite, các đơn vị vũ trang tình nguyện và quân đội Iran.

Điều này đã làm dấy lên quan ngại về khả năng thành phố Tikrit, nơi có đông người Sunni sinh sống, trở thành nơi diễn ra các cuộc tấn công trả đũa của các giáo phái sau khi giải phóng Tikrit.

Trước đó cùng ngày, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc thảo luận với Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi về cuộc chiến chống IS, trong đó có chiến dịch chiếm lại Tikrit.

Thông báo của Nhà Trắng cho biết, tại cuộc gặp, Phó Tổng thống Biden đã bày tỏ hoan nghênh cam kết của Thủ tướng Abadi trong việc bảo vệ dân thường cũng như đảm bảo các nhóm vũ trang hành động dưới sự kiểm soát của chính phủ.

Hiện chính phủ tại Baghdad do người Shi'ite nắm đa số. Các lực lượng vũ trang nước này chỉ có 1/3 là quân đội chính phủ, còn lại 2/3 là lực lượng dân sự Shi'ite được Tehran vũ trang.

Các quan chức Mỹ lo ngại do mâu thuẫn sắc tộc, các lực lượng Shi'ite có thể đàn áp cộng đồng người Sunni sau khi đã đẩy lùi được các tay súng IS./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục