Nhà Trắng tiếp tục theo đuổi ký BSA với Afghanistan

Sau khi giới chức tình báo Mỹ tỏ ý hoài nghi về khả năng Afghanistan sẽ ký BSA, người phát ngôn Nhà Trắng khẳng định Mỹ vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi việc ký kết hiệp định này.

Một ngày sau khi giới chức tình báo Mỹ tỏ ý hoài nghi về khả năng Afghanistan sẽ ký Hiệp định an ninh song phương (BSA) cho phép Mỹ để lại 10.000 binh sĩ sau lộ trình rút quân vào cuối năm nay, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney khẳng định Mỹ vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi việc ký kết hiệp định này.

Trong tuyên bố đưa ra ngày 12/2, ông Carney khẳng định Nhà Trắng sẽ gây áp lực buộc Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai phải ký Hiệp định an ninh song phương vì Mỹ không thể lên các kế hoạch để lại binh sĩ nếu không có một thỏa thuận an ninh được ký kết.

Ông Carney cũng cho biết Mỹ sẽ không tiến hành thương lượng lại về nội dung hiệp định vì tiến trình này đã hoàn tất sau thời gian đàm phán kéo dài.

Tuyên bố của người phát ngôn Nhà Trắng đối lập với tiết lộ của một quan chức cấp cao khác trong chính quyền Washington, người đã tiết lộ với tờ Wall Street Journal rằng chính quyền của Tổng thống Barack Obama có vẻ như đã ngả theo hướng sẽ ký Hiệp định an ninh song phương với Tổng thống mới của Afghanistan.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, tờ Wall Street Journal dẫn lời quan chức trên nói rằng Nhà Trắng và Bộ Quốc phòng Mỹ đã quyết định không đề cập tới Hiệp định an ninh song phương với Tổng thống Karzai, mà sẽ chờ cho tới khi người dân Afghanistan bầu lên một tổng thống mới trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 5/4 tới.

Theo hiến định của Afghanistan, Tổng thống Karzai sẽ không thể tiếp tục ra tranh cử do đã cầm quyền hai nhiệm kỳ liên tiếp.

Hiện tại, đa số các chuyên gia cho rằng ông Karzai sẽ không ký Hiệp định an ninh song phương vì quá thất vọng trong quan hệ với Mỹ trong suốt hai nhiệm kỳ cầm quyền.

Trong bài phát biểu tại Ủy ban quân lực Thượng viện hôm 11/2, Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ James Clapper cũng nói rằng ông không tin là Tổng thống Karzai sẽ ký Hiệp định an ninh song phương cho dù phải liên tiếp chịu áp lực từ Mỹ, kể cả việc bị dọa cắt bỏ viện trợ.

Ông Clapper là quan chức cấp cao nhất của Mỹ từ trước tới nay thừa nhận khó khăn trong việc ký Hiệp định an ninh song phương. Đây cũng là quan điểm của Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen.

Trước đó, Kabul và Washington đã mất nhiều tháng thương lượng về Hiệp định an ninh song phương với mục tiêu sẽ cho phép duy trì khoảng 10.000-12.000 binh sĩ ở lại Afghanistan sau năm 2014.

Tuy nhiên, Tổng thống sắp mãn nhiệm của Afghanistan kiên quyết không ký văn kiện này với lý do phản đối một số quyền ưu tiên đặc biệt dành cho lính Mỹ như cho phép các binh sĩ Mỹ quyền miễn trừ hoàn toàn trước luật pháp sở tại, được tự do tiến hành tấn công các mục tiêu khủng bố và tự do khám xét nhà thờ, nhà dân.

Ông khẳng định sẽ để lại nhiệm vụ này cho người kế nhiệm sẽ lên thay ông sau cuộc bầu cử ngày 5/4./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục