Nhà xe bị điều chuyển luồng tuyến: Lỗ quá sức chịu đựng!

Sau khi Hà Nội thực hiện điều chuyển luồng tuyến, doanh nghiệp vận tải có lượng khách quá ít, chi phí tại bến xe quá lớn nên hầu hết đang “gánh lỗ” và quá sức chịu đựng.
Nhà xe bị điều chuyển luồng tuyến: Lỗ quá sức chịu đựng! ảnh 1Xe khách tập hợp tại đầu trạm thu phí Pháp Vân-Cầu Giẽ để phản đối điều chuyển luồng tuyến của Hà Nội. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Liên quan đến sự việc khoảng gần 100 nhà xe đã chạy xe rỗng về Hà Nội để phản đối việc bị điều chuyển luồng tuyến vào sáng 28/2, theo đại diện các nhà xe trong diện điều chuyển từ bến Mỹ Đình về Nước Ngầm, lượng khách quá ít, chi phí tại trong và ngoài bến quá lớn nên hầu hết các đơn vị đang “gánh lỗ” và quá sức chịu đựng.

Là một trong những doanh nghiệp đã chấp hành khi có lệnh điều chuyển về bến xe Nước Ngầm, ông Nguyễn Sơn La, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mạnh La (tuyến Thái Bình-Nước Ngầm) cho rằng, sau 2 tháng chuyển về bến xe Nước Ngầm, 6 xe của doanh nghiệp hàng ngày xuất bến không có khách trong khi lại còn phải chịu chi phí cao.

“Trung bình mỗi xe một tháng doanh nghiệp đang chịu lỗ 18-20 triệu đồng. Và 6 xe là hơn 100 triệu đồng/tháng, đơn vị hết khả năng chịu đựng,” ông Nguyễn Sơn La ngao ngán thở dài.

[Gần 100 xe khách đổ ra Hà Nội phản đối điều chuyển luồng tuyến]

Theo ông Đậu Xuân Ngọc, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch thương mại và Đầu tư Thiên Trường (tuyến Thái Bình- Hà Nội, Nam Định-Hà Nội), từ ngày 2/1, toàn bộ xe của doanh nghiệp đã về bến Nước Ngầm để hoạt động.

Thế nhưng, từ ngày về bến Nước Ngầm, ông Ngọc tiết lộ, xe thường xuyên phải xuất bến chạy rỗng, không có khách, thậm chí ngay cả dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2017 vừa qua.

“Chưa kể, phí ở bến Nước Ngầm quá cao. Xe 30 chỗ xuất bến là 70.000 đồng/lượt và chỉ được đỗ trong bến 9-10 phút sau đó bị bến ‘đuổi’ ra ngoài bến tạm ở đường Trần Thủ Độ để đỗ. Tại đây, bến này lại thu của nhà xe 50.000-100.000 đồng/lượt đỗ”, ông Ngọc cho hay.

Để phục vụ nhu cầu bán vé, theo ông Ngọc, đơn vị đã phải thuê quầy bán vé tại bến xe Nước Ngầm với diện tích chưa đầy 2m2 nhưng phải trả tới 18 triệu đồng/tháng. “Chắc thuê bán hàng tại Tràng tiền Plaza cũng chỉ đắt đến như vậy là cùng,” ông Ngọc ví von.

Bày tỏ sự không đồng tình với hành động đưa xe chạy rộng về đỗ dọc cao tốc của các doanh nghiệp vì hành vi này gây mất an toàn và cản trở giao thông, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, chủ trương điều chuyển luồng tuyến vận tải hành khách là chủ trương của thành phố Hà Nội mà mục tiêu lớn nhất là giảm ùn tắc giao thông cho tuyến đường vành đai 3, đảm bảo lợi ích chung.

Ghi nhận khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình điều chuyển luồng tuyến phải thay đổi phương án kinh doanh, một bộ phận khách quen trước đây bị giảm, ông Viện cho biết, Sở Giao thông Vận tải đang tiếp tục cùng các doanh nghiệp vận tải xem xét để tìm ra phương án tốt nhất như rà soát đảm bảo kết nối xe buýt để phục vụ nhân dân đi lại giữa các bến xe và làm việc với các đơn vị vận tải để giảm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong quá trình chuyển đổi.

“Sở vẫn tiếp tục lắng nghe ý kiến của các cấp, ngành và doanh nghiệp để làm sao tìm được phương án tốt nhất, vừa đảm bảo lợi ích chung của xã hội và đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp,” ông Viện bày tỏ quan điểm.

Theo ông Viện, vừa qua Thủ tướng cũng đã giao cho Bộ Giao thông Vận tải và Hà Nội họp với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, báo cáo Thủ tướng trước 10/3 tới đây. Do đó, Sở Giao thông Vận tải đề nghị các doanh nghiệp thực hiện nghiêm theo quyết định và chỉ đạo của Thủ tướng. Doanh nghiệp sau điều chuyển có quyền bày tỏ ý kiến, kiến nghị nhưng phải tuân thủ pháp luật và theo quy định.

Được biết, chiều 1/3, Bộ Giao thông Vận tải và Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ đối thoại với các doanh nghiệp thuộc diện phải điều chuyển luồng tuyến./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục