Nhà xuất bản Giáo dục phản hồi thắc mắc trong sách Tiếng Việt lớp 1

Trước nhiều ý kiến cho rằng cách dùng từ “dập dờn” trong sách Tiếng Việt lớp 1, tập 2 là sai so với nguyên bản, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết lựa chọn từ “dập dờn” là theo chuẩn chính tả.
Nhà xuất bản Giáo dục phản hồi thắc mắc trong sách Tiếng Việt lớp 1 ảnh 1Trích đoạn bài thơ "Việt Nam đất nước ta ơi" trong sách Tiếng Việt lớp 1, tập 2. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trước nhiều ý kiến cho rằng cách dùng từ “dập dờn” trong bài số 87, sách Tiếng Việt 1, tập 2 là sai so với nguyên bản trong bài thơ “Việt Nam đất nước ta ơi” của nhà thơ Nguyễn Đình Thi, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết lựa chọn từ “dập dờn” là theo chuẩn chính tả.

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, tiến sỹ Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho rằng từ “dập dờn” và “rập rờn” thực chất chỉ là một từ thuộc loại song tồn (có hai hình thức thể hiện) trong tiếng Việt.

Theo Từ điển Tiếng Việt (do Hoàng Phê chủ biên, 2010), trang 334 có ghi: “dập dờn: chuyển động lúc lên lúc xuống, lúc ẩn lúc hiện, lúc gần lúc xa nối tiếp nhau liên tiếp và nhịp nhàng”; trang 1062 ghi: “rập rờn, xem dập dờn”.

“Trong các văn bản tiếng Việt, từ dập dờn có tần suất sử dụng nhiều hơn. Có thể khi viết bài thơ này, nhà thơ đã sử dụng biến thể rập rờ. Tuy nhiên khi đưa vào sách giáo khoa, người làm sách đã chọn hình thức thể hiện phổ thông, theo chuẩn chính tả là dập dờn”, ông Tùng nói. Vị Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng bày tỏ lời cảm ơn độc giả đã đóng góp ý kiến.

Trước đó, có nhiều ý kiến cho rằng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có trích đoạn chưa chuẩn xác. Cụ thể, trong bài số 87, sách Tiếng Việt lớp 1, tập 2 có trích 4 câu thơ trong bài thơ Việt Nam đất nước ta ơi của tác giả Nguyễn Đình Thi:

"Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả dập dờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều"

Theo ý kiến của độc giả, nguyên bản câu thơ thứ 3 của trích đoạn này là: "Cánh cò bay lả rập rờn"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục