Ngọc Đại lại "điên"

Nhạc sĩ Ngọc Đại "điên" với hát đương đại Việt Nam

Nhạc sỹ Ngọc Đại và cộng sự đã đem đến cho khán giả cảm nhận mới lạ. Vượt lên mọi khen-chê, hát đương đại đã có công chúng riêng.
Những năm gần đây một số loại hình nghệ thuật tại Việt Nam đã có sự chuyển động bằng những hoạt động thể nghiệm như múa đương đại, kịch đương đại, trình diễn đương đại,  mỹ thuật đương đại... Xuôi theo dòng chảy đó, Ngọc Đại có thể coi là tiên phong trong thể nghiệm dòng nhạc hát đương đại tại Việt Nam.

Hành trình không dừng lại

Bốn năm qua, mỗi chương trình biểu diễn của nhạc sỹ Ngọc Đại cùng nhóm Đại Lâm Linh đều tạo ra những cơn sốc về sự mới lạ, không chỉ trong giới phổ thông mà cả giới trẻ, giới trí thức, giới nghệ sỹ và những nhà phê bình, quản lý nghệ thuật.

Để tiếp tục theo đuổi những cách tân của mình với dòng nhạc hát, nhạc sỹ Ngọc Đại thực hiện dự án “Thực nghiệm nhạc hát đương đại Việt Nam - Đan Mạch 2010” tại rạp Kim Mã. Dự án có sự tham gia của nghệ sỹ saxophone nổi tiếng đến từ Đan Mạch Lotta Anker, nhóm Đại Lâm Linh, nhóm ca trù Thái Hà, ca sỹ Hà Linh, dàn dây Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia Việt Nam, đạo diễn sân khấu- hoạ sỹ Đặng Huy Quyển, công ty Sân Khấu Việt tổ chức chương trình.

Chương trình biểu diễn sẽ diễn ra vào ngày 10/12/2010 tại Nhà hát Chèo Kim Mã. Dự án được sự tài trợ của quỹ Giao Lưu và phát triển văn hoá Đan Mạch (CDEF). Dự án “Thực nghiệm nhạc hát đương đại Việt Nam - Đan Mạch 2010” được xây dựng từ những tiêu chí rất “cách tân.”

Thú vị và bất ngờ với người xem là tiêu chí cách tân sân khấu ca nhạc bằng cách kết hợp nghệ thuật cổ truyền với nghệ thuật đương đại, nghệ thuật thanh nhạc với nghệ thuật khí nhạc, giữa các nền văn hóa đông tây, giữa văn hoá phồn thực và văn hóa tâm linh.

Theo Đại, sự cách tân này hướng tới hai mục đích, thứ nhất là để phá vỡ rào cản thẩm mỹ, phá vỡ sự ổn định từ nội dung đến hình thức của nhạc hát Việt đang chịu ảnh hưởng một cách thụ động văn hóa âm nhạc phương Tây. Thứ hai là nêu cao sự tự do sáng tạo ngỡ như không giới hạn.

Không chỉ dừng lại với những gì đã làm được cùng nhóm Đại Lâm Linh, các nghệ sỹ tham gia dự án lần này được yêu cầu phát huy cá tính cực đoan, phá vỡ sự ổn định dựa trên giai điệu và tiết tấu. Thay vào đó đưa ra thể nghiệm cấu trúc tiếng động của âm thanh, nhạc cụ, giọng người...

Kỹ thuật hát ép giọng như tiếng cọ xát của tre nứa, tiếng khóc, tiếng nấc, tiếng rên tạo thành những phần hòa sắc, hòa âm. Các nhạc cụ chơi ngẫu hứng, độc lập với phần hát, không chỉ đơn thuần là phần đệm và cũng không ngẫu hứng theo phong cách nhạc jazz-pop.

Bên cạnh đó việc khai thác tính kịch, tính sân khấu thông qua việc trình diễn và sắp đặt, hình thể, ánh sáng v.v. các chủ đề âm nhạc được bố cục thành từng mảng khối, những người thực hiện dự án  cũng gửi gắm mong muốn có thể tiếp cận được số đông khán thính giả.

“Đại Điên”- anh là ai?


Nhạc sỹ Hoàng Văn Đại được biết nhiều dưới cái tên Ngọc Đại. Anh còn có Nghệ danh “Đại Điên” vì những gì anh làm rất mới, lạ với âm nhạc Việt Nam và luôn không theo thông lệ của đời sống bình thường.

Năm 1982, anh Tốt nghiệp cử nhân tại Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia Việt Nam chuyên ngành sáng tác lý luận. 1978-1998 anh làm Giám đốc nghệ thuật, nhà sản xuất cho nhiều chương trình âm nhạc lớn tại Việt Nam như chương trình Rock Gốm (1984); Cánh Diều Phù Vân (1994); Nhật Thực I (2001); Nhật Thực II (2004). Từ năm 2004: Soạn nhạc chính cho nhóm nhạc Pháp Mexicanjazz.
 
Nhạc sĩ Ngọc  Đại đã mới được nhận giải thưởng như 2010 Giải “Nhà soạn nhạc xuất sắc nhất” trong liên hoan phim Châu Á lần thứ 4 tại Hongkong.
 
Tác phẩm của nhạc sỹ Ngọc Đại từ năm 1979 bao gồm: Trình diễn Symphony số 1 (1979); Trình diễn Symphony số 2; Trình diễn vở Opera Zandas; Trình diễn vở Operetta Hàn Mặc Tử; 1 concerto cho piano và dàn nhạc; 2 sonate cho piano 24 prelude cho piano và dàn dây.

Nhạc sĩ Ngọc Đại đã phát hành 4 CD và đều gây được "ám ảnh" nhất định cho người nghe. Đó là  "Rock Biển" (1984); "Nhật Thực I" (2001); "Nhật Thực II" (2004); "Đại Lâm Linh" (2009)./.
 
Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục