Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu - dấu ấn tài hoa trong các ca khúc bất hủ

Viết về chiến tranh, sự mất mát hay nỗi buồn, âm nhạc của Phan Huỳnh Điểu vẫn toát lên tinh thần lạc quan; những bản tình ca của ông luôn ngọt ngào và các ca khúc thiếu nhi thì tươi vui, trong trẻo.
Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu - dấu ấn tài hoa trong các ca khúc bất hủ ảnh 1Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu lúc sinh thời. (Ảnh: Gia đình cung cấp)

Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu - người được mệnh danh là con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam - trong hơn 75 năm hoạt động âm nhạc, ông để lại hơn 100 tác phẩm, và rất nhiều trong đó là những ca khúc nổi tiếng để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng. 

Âm nhạc của ông vang vọng nhiều thập kỷ với những giai âm hào sảng, luôn chứa đựng một tinh thần lạc quan, tươi đẹp hay những bản tình ca ngọt ngào sâu lắng và cả những ca khúc thiếu nhi bất hủ. Với những đóng góp to lớn trong nền âm nhạc Việt Nam, năm 2000, nhạc sỹ đã vinh dự được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Tình yêu âm nhạc tự nhiên như hơi thở

Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu sinh ngày 11/11/1924 tại Đà Nẵng trong một gia đình có 11 người con.

Cả tuổi thơ lớn lên trong những làn điệu dân ca, câu hò mượt mà của vùng đất Quảng Nam-Đà Nẵng thanh bình, không khó hiểu vì sao mà tình yêu và sự gắn bó với âm nhạc trong con người ông tự nhiên đến thế.

Phan Huỳnh Điểu chính thức bắt đầu hoạt động âm nhạc trong nhóm Tân nhạc khi bước vào tuổi 16. Sáng tác đầu tiên của chàng nhạc sỹ trẻ là ca khúc “Trầu cau,” được ra đời sau khi ông xem vở kịch "Tục lụy" được diễn ở Đà Nẵng.

Kể từ đó, Phan Huỳnh Điểu say mê sáng tác và và cho ra đời hàng trăm tác phẩm âm nhạc với nhiều chủ đề khác nhau.

Phan Huỳnh Điểu được xem là một trong những nhạc sỹ có sáng tác gắn liền với chiều dài lịch sử đất nước. Một trong những chủ đề nổi bật mà ông sáng tác là viết về cách mạng.

Là người đi qua cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của dân tộc, từng trở thành người lính trong những năm 40 mưa bom bão đạn, chứng kiến tinh thần yêu nước, sự hy sinh anh dũng của những người lính, nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu đã viết nên những bài hát đi vào lòng nhiều thế hệ người yêu âm nhạc.

Năm 1945, chàng trai 21 tuổi Phan Huỳnh Điểu đã cho ra đời bài hát “Đoàn giải phóng quân” (nay là “Đoàn Vệ quốc quân”) với hoài ước ghi trọn lời thề với non sông: “Ra đi ra đi bảo tồn sông núi/ra đi, ra đi thà chết chớ lui.”

Đó là lời thề của giải phóng quân và cũng là lời thề đầu tiên của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu khi bước theo cách mạng.

Bài hát được viết theo nhịp hành khúc 2-4, thôi thúc và rạo rực như bước chân hành quân của các chiến sỹ giải phóng.

Sau đó, bài hát đã nhanh chóng được đông đảo các anh em chiến sỹ đón nhận, đồng thời góp phần cổ vũ tinh thần cho các anh giải phóng quân trong các trận chiến.

Tính đến nay, “Đoàn Vệ quốc quân" là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất trong hai cuộc kháng chiến cách mạng của dân tộc Việt Nam.

Tiếp nối dòng cảm xúc hào sảng, anh dũng, Phan Huỳnh Điểu còn viết và phổ nhạc thêm nhiều ca khúc cách mạng khác, và hầu hết đều trở nên nổi tiếng như “Mùa Đông binh sỹ,” “Cuộc đời vẫn đẹp sao,” “Hành khúc ngày và đêm,” “Quê tôi ở miền Nam”…

Điều đặc biệt trong âm nhạc cách mạng của Phan Huỳnh Điểu là dù viết về chiến tranh, mất mát hay những nỗi buồn thì vẫn luôn chứa đựng một tinh thần lạc quan, tươi sáng.

Dấu ấn đặc biệt trong sáng tác của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu chính là ông đã “tình ca hóa” thể loại hành khúc, đem lại cho hành khúc cách mạng Việt Nam một nét mới lạ, độc đáo và hấp dẫn. Hai bài hát "Hành khúc ngày và đêm" và "Cuộc đời vẫn đẹp sao" là một minh chứng cụ thể cho điều này. Có thể nói đây cũng là một đóng góp giá trị của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu xét ở khía cạnh học thuật.

Bên cạnh các ca khúc cách mạng, Phan Huỳnh Điểu còn được biết đến là tác giả của những bản tình ca ngọt ngào, sâu lắng.

Nhạc sỹ từng khẳng định, tình yêu chính là nguồn cảm hứng lớn của ông, còn yêu mới sống và làm việc đầy nhiệt huyết được. Vì thế, âm nhạc của Phan Huỳnh Điểu luôn tràn ngập tình yêu.

Có tình yêu đôi lứa xa cách, da diết trong những năm tháng chiến tranh như “Anh ở đầu sông em cuối sông,” “Sợi nhớ sợi thương,” “Ở hai đầu nỗi nhớ,” “Đêm nay anh ở đâu,” “Tình trong lá thiếp”...; cũng có những tình yêu lúc nào cũng sâu lắng, tha thiết như ca khúc “Thuyền và biển” được phổ lại từ bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Xuân Quỳnh.

[Video] Lắng nghe những bài hát bất hủ của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu

Ông còn là nhạc sỹ giàu tình yêu với các em thiếu niên, nhi đồng với nhiều sáng tác dành cho thiếu nhi như “Đội kèn tí hon,” “Nhớ ơn Bác”...

Bậc thầy phổ nhạc vào thơ

Một điểm nổi bật trong sự nghiệp sáng tác của Phan Huỳnh Điểu mà không thể không nhắc đến là những bài hát được phổ nhạc từ thơ.

Trong gia tài âm nhạc đồ sộ, nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu để lại dấu ấn đậm nét với tài phổ nhạc từ thơ nhiều ca khúc nổi tiếng như “Những ánh sao đêm,” “Bóng cây Kơnia,” “Anh ở đầu sông em cuối sông,” “Sợi nhớ sợi thương,” “Ở hai đầu nỗi nhớ,” “Đêm nay anh ở đâu,” “Thuyền và biển,” “Thơ tình cuối mùa Thu”... Dấu ấn rõ nét nhất ở các tác phẩm này chính là sự hòa quyện mượt mà giữa giai điệu và ngôn từ thơ ca.

Mong muốn đem đến một sức sống mới cho thơ ca bằng những nốt nhạc đã ấp ủ trong Phan Huỳnh Điểu từ những ngày còn đi học.

Sau vài lần thử sức chưa vừa ý, mãi đến những năm kháng chiến chống Mỹ rồi thống nhất đất nước, những bài hát được Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc từ thơ mới thật sự nổi bật và trở thành nét riêng của ông.

Một trong những ca khúc phổ thơ đáng nhớ nhất của ông là "Bóng cây Kơnia." Biết đến bài thơ "Bóng cây Kơnia" (Ngọc Anh) từ năm 1959, Phan Huỳnh Điểu rất thích, đem phổ nhạc, nhưng không thành.

Từ 1964 đến 1970, ông đi B, ở chiến trường Tây Nguyên, thấm dần tiếng đàn, tiếng hát của bà con dân tộc. Sau đó trở ra Hà Nội, ông đọc lại bài thơ "Bóng cây Kơnia," cảm xúc chợt dâng trào, dòng nhạc như tuôn chảy.

Ca khúc "Bóng cây Kơnia" ra đời vào tháng 8-1971. Bài hát đã vang mãi, vượt thời gian và sống trong lòng người yêu nhạc đến tận bây giờ.

Cũng trong năm 1971, khi ở chiến trường ra, Phan Huỳnh Điểu phải vào nằm bệnh viện. Đọc "Bài thơ tình yêu" (Dương Hương Ly), ông rất thích đoạn cuối của bài thơ liền phổ nhạc. Và ca khúc “Cuộc đời vẫn đẹp sao” với giai điệu lạc quan vui tươi ra đời ngay trên giường bệnh.

Cứ thế, mỗi khi đọc một bài thơ tâm đắc, ông lại thổi vào đó những nốt nhạc. “Từ Hành khúc ngày và đêm,” “Sợi nhớ sợi thương” đến “Anh ở đầu sông em cuối sông,” “Ở hai đầu nỗi nhớ”… Dấu ấn rõ nét nhất ở các tác phẩm này chính là sự hòa quyện mượt mà giữa giai điệu và ngôn từ thơ ca.

[Infographics] Phan Huỳnh Điểu - 'Con chim vàng' của âm nhạc Việt Nam

Đặc biệt, đến những năm 1980, âm nhạc của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu đã chắp cánh cho hồn thơ Xuân Quỳnh với “Thơ tình cuối mùa Thu,” “Thuyền và biển,” “Sóng”…

 Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu từng nói “thơ và nhạc như cặp anh chị em song sinh.” Nhà thơ chắt chiu từng con chữ, nhạc sỹ chăm chút từng nốt nhạc sẽ cho ra một tác phẩm toàn vẹn và đầy đặn. Thế nên, có quá nửa gia tài âm nhạc ông để lại là các bài hát phổ thơ.

Không chỉ là một nhạc sỹ đầy tài năng, nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu còn là bậc tiền bối được giới nghệ sỹ trẻ Việt Namhết sức ngưỡng mộ và kính trọng.

Ở con người của người nhạc sỹ không tuổi, toát lên sự gần gũi, thân thuộc và sự lạc quan, yêu đời mà hiếm nhạc sỹ nào có được. 

Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu mất ngày 29/6/2015. Đến những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu vẫn còn cống hiến cho âm nhạc Việt Nam với vai trò là một vị giám khảo vui tính trong cuộc thi "Tiếng hát mãi xanh."Dù là vị giám khảo già nhất Việt Nam, nhưng ông vẫn giữ nguyên nét đáng yêu, dí dỏm trên chiếc “ghế nóng” với những phát biểu “để đời” như phong danh hiệu “Chiếc lá còn xanh” cho một thí sinh nữ đã bước sang tuổi 40 khi cô thể hiện ca khúc "Chiếc lá cuối cùng."/.

Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu - dấu ấn tài hoa trong các ca khúc bất hủ ảnh 2
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục