Nhạc sỹ Việt lên tiếng về nghi án đạo nhạc của Sơn Tùng M-TP

Trước khi có kết luận cuối cùng về nghi án đạo nhạc ca khúc "Chắc ai đó sẽ về' của Sơn Tùng M-TP, nhiều nhạc sỹ uy tín của làng nhạc Việt đã đồng loạt lên tiếng bày tỏ quan điểm và góc nhìn riêng...
Nhạc sỹ Việt lên tiếng về nghi án đạo nhạc của Sơn Tùng M-TP ảnh 1Trước động thái của Hàn Quốc về nghi án đạo nhạc ca khúc "Chắc ai đó sẽ về" của Sơn Tùng M-TP, dư luận lại tiếp tục nổi bão, với những tranh cãi trái chiều...

Nghi án đạo nhạc của Sơn Tùng M-TP thời gian qua làm tốn khá nhiều giấy mực trên báo giới, với những tranh cãi trái chiều trong dư luận, giới chuyên môn, và cơ quan quản lý.

Những tưởng sau khi công bố văn bản xác nhận từ phía Hàn Quốc, cụ thể là công ty FNC Intertainment – công ty chủ quản của ca sỹ Jung Young Hwa, người sáng tác ca khúc “Because I miss you” được cho là bản gốc ca khúc “Chắc ai đó sẽ về” của Sơn Tùng M-TP, thì những lùm xùm về nghi án đạo nhất được xem là bê bối nhất làng nhạc Việt sẽ khép lại.

Thế nhưng, động thái được xem là “vị tha” từ phía Hàn Quốc một lần nữa lại “gây bão” dư luận, cùng sự bất đồng ý kiến từ phía cơ quan quản lý, khiến Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch phải đi đến quyết định lập một hội đồng thẩm định lần thứ hai về ca khúc “Chắc ai đó sẽ về,” trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.

Cũng trong thời điểm này, nhiều nhạc sỹ đã đồng loạt lên tiếng và cởi mở những góc nhìn riêng, Vietnam+ xin trích đăng một số quan điểm của những nhạc sỹ uy tín xung quanh “nghi án” đạo nhạc của Sơn Tùng M-TP.

Nhạc sỹ Trương Ngọc Ninh: Nói “người lớn bắt nạt trẻ con” là tối tăm, thiếu tính xây dựng

Tôi nghĩ rằng đây chỉ là việc cỏn con, thuộc về hành vi của một cá nhân nhưng dần dà trở thành một hệ lụy của nền âm nhạc. Sơn Tùng hay nhiều người sáng tác trẻ bây giờ, họ phải tìm hiểu, tham khảo ra bên ngoài để viết nhạc là đương nhiên, không có gì ngạc nhiên cả. Chỉ có điều, thế giới bây giờ phẳng rồi, nếu anh mượn của người khác, làm theo người khác thì phải công khai. Đằng này, anh lấy của người khác, biến thành của mình rồi khẳng định mình là tác giả quả là điều không hay và không nên.

Trước sự việc của Sơn Tùng, tôi nghĩ rằng thay vì tranh cãi, nhấc lên đặt xuống, mổ xẻ là đạo hay không đạo, để đi đến quyết định xử phạt, cấm diễn… nên chăng chúng ta chỉ nên đưa ra định hướng, để chấn chỉnh với khuyến cáo là không nên sáng tác theo hướng đó.

Quả thật, mấy ngày qua tôi rất buồn. Công chúng đã đành, nhưng đến cơ quan quản lý vẫn còn bất đồng quan điểm thì nguy quá. Nói như nhạc sỹ Doãn Nho, nếu chúng ta hời hợt, buông lỏng chấp nhận thói quen sáng tác này thì âm nhạc Việt Nam sẽ trở thành mớ hỗn độn, tạp-pí-lù, cóp nhặt.

Nhạc sỹ Việt lên tiếng về nghi án đạo nhạc của Sơn Tùng M-TP ảnh 2Nhạc sỹ Trương Ngọc Ninh (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Bản thân Sơn Tùng đã thừa nhận lấy beat của người khác, chúng ta còn tranh cãi gì nữa đây. Bản chất của sáng tác là sáng tạo. Người nhạc sỹ phải là chủ thể sáng tạo của tác phẩm ấy, cả hồn lẫn cốt. Beat nhạc là hồn của tác phẩm, từ đó mới ra được giai điệu. Có người sáng tác trên vòng hòa thanh, có người sáng tác giai điệu trước, hòa thanh sau nhưng mỗi tác phẩm là một màu sắc riêng, theo phong cách sáng tác độc lập. Người sáng tạo lại đi lấy tác phẩm của người khác, lắp ghép, nhào nặn thành tác phẩm của mình thì không thể chấp nhận được.

Vì vậy, về việc của Sơn Tùng, tôi rất phẫn nộ trước những ý kiến cho rằng chúng tôi là “người lớn bắt nạt trẻ con.” Nếu nghĩ như thế thì thật tăm tối và thiếu tính xây dựng. Chúng ta, phải có trách nhiệm và lương tâm định hướng những người trẻ không nên làm như vậy trong sáng tạo nghệ thuật.

Tôi nói thẳng là nhiều bạn trẻ bây giờ không qua học hành nhạc lý, vẫn sáng tác bạt ngàn và vỗ ngực cho mình là nhạc sỹ. Thế hệ chúng tôi, bây giờ nghe người ta gọi mình là nhạc sỹ còn thấy ngượng. Nên đừng nghĩ chúng tôi khắt khe, bắt nạt các bạn trẻ. Nghệ thuật mà không sáng tạo, không có bản sắc, chỉ đi mót nhặt, vay mượn của người khác thì hổ thẹn và buồn cười lắm. Tôi dám chắc, những người làm nghề, viết nhạc chuyên nghiệp không ai ủng hộ việc làm.

Vì vậy cơ quan thẩm quyền phải thận trọng và suy xét thật kỹ lưỡng khi đưa ra kết luận. Nếu không chấn chỉnh thì âm nhạc của chúng ta cứ thế mà làm, không cần sáng tạo gì nữa…

Nhạc sỹ Nguyễn Đức Cường: “Tôi thấy thẹn...”

Tác giả của những ca khúc “Em trong mắt tôi,” “Nồng nàn Hà Nội,”

từng được vinh danh trên sân chơi Bài hát Việt cho rằng: “Sáng tạo nghệ thuật không giản đơn mớ rau, mớ tép, cứ ra chợ mua là được. Người nhạc sỹ để sáng tác ra tác phẩm là một hành trình của sáng tạo và cảm xúc. Có những người cả sự nghiệp sáng tạo cả trăm bài nhưng chỉ nổi tiếng một bài mà thôi. Cá nhân tôi, không bao giờ sáng tác trên beat, vì vậy khi thấy ai đó mượn beat để viết nhạc, tôi không coi đó là sáng tạo chuyên nghiệp.

Nhạc sỹ Việt lên tiếng về nghi án đạo nhạc của Sơn Tùng M-TP ảnh 3Nhạc sỹ Nguyễn Đức Cường (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Tôi nghĩ rằng, nghề nào cũng vậy đều phải có những nguyên tắc và quy chuẩn đạo đức, vì vậy chúng ta không nên quá bận tâm và làm ồn ào làm gì! Thời gian sẽ trả lời, và chính tác phẩm cũng sẽ trả lời, sự sáng tạo, bản nguyên trong nghệ thuật thì sẽ thẩm thấu và sống bền lâu.

Cá nhân tôi, buồn cho mình ít thôi, nhưng thấy thẹn cho nhạc Việt, cho tư duy sáng tạo của những người nhân danh là lao động nghệ thuật của đất nước. Lẽ nào chúng ta thiếu thốn và hèn kém đến mức phải mượn của nước khác?

Nhạc sỹ Lưu Thiên Hương: “Nên phối lại beat, nếu muốn lưu hành”

Nói về những bất đồng của cơ quan quản lý về nghi án đạo nhạc của Sơn Tùng M-TP, trước thời điểm có kết luận kết cùng cho ca khúc “Chắc ai đó sẽ về,” nhạc sỹ Lưu Thiên Hương bày tỏ quan điểm ở góc nhìn khác: “Cũng không nên tìm cách này để trấn an dư luận bởi như vậy tất cả những bạn trẻ viết như thế này vẫn cứ tiếp tục.

Một ca khúc là sự kết hợp của nhiều yếu tố như bản phối (nhạc đệm), giai điệu ca từ, ca sỹ... Nếu ca khúc này hát chay thì không có vấn đề gì. Tôi đồng ý với ý kiến vẫn cho bài hát này " lưu hành khắp nơi" với điều kiện phối lại nhạc đệm (beat) khác. 

Cách mang hai bản nhạc ra và bảo bản của tôi có hòa thanh, bản anh không có (mặc dù hòa thanh tôi giống hệt anh và bài anh ra trước) là một kẽ hở dẫn đến việc “lạy ông con ở bụi này.” Trong cái thật thì toàn bộ là giả, giống một kiểu lách luật vì hiện nay vẫn chưa có luật cho bản phối.

Nhạc sỹ Việt lên tiếng về nghi án đạo nhạc của Sơn Tùng M-TP ảnh 4Nhạc sỹ Lưu Thiên Hương (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nhạc sỹ Nguyễn Duy Hùng: Sáng tạo thiếu tâm, nhạc Việt sẽ trở thành “lẩu âm nhạc”

Tác giả của những ca khúc "12h," "Phố cổ"... bày tỏ: "Điều quan trọng là người nghệ sỹ phải có tâm với nghề, để sao cho ca khúc của mình không bị trùng lặp với các ca khúc của các nhạc sỹ khác và quốc gia khác...! Nếu mình viết giống họ, thì mình không còn là mình nữa... và không còn là nhạc Việt Nam nữa... bởi chúng ta hòa nhập chứ không hòa tan... và đừng chạy theo thị hiếu đám đông...! Nếu bản nhạc nào cũng mix với nhau thì chúng sẽ trở thành một nồi "lẩu âm nhạc" đúng nghĩa.

Tôi không phản đối việc viết nhạc theo beat, nhưng beat đó phải là beat của mình tự nghĩ ra... Nếu lấy của người khác thì âm nhạc của người viết nên chúng ít nhiều bị ảnh hưởng của tuyến giai điệu bản beat.

Hiện nay các nhạc sỹ trên thế giới và Việt Nam viết nhạc theo rất nhiều các phong cách khác. Cụ thể là công ty quản lý của ca sỹ nhau, có người sẽ tạo ra một vòng hòa âm, quay đi quay lại, rồi sau đó viết giai điệu và lời ca... kiểu dạng viết theo công thức vòng hòa âm có sẵn, được in trong tủ sách của các trường nhạc.

Có người thì làm ngược lại, là viết lời ca trước, sau đó cho hợp âm vào để hình thành giai điệu...! Có người lấy một beat có sẵn để viết... Có người lại lấy dân ca Việt Nam để kết hợp với các nhạc cụ phương Tây và dân ca của các nước khác, đó là: "Mix âm nhạc đương đại"...Tựu chung, đó là thẩm mỹ âm nhạc riêng, cách làm riêng của từng nghệ sỹ để tạo ra những sản phẩm âm nhạc.

Nhạc sỹ Việt lên tiếng về nghi án đạo nhạc của Sơn Tùng M-TP ảnh 5Nhạc sỹ Nguyễn Duy Hùng (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chuyện đạo nhạc hay không, chỉ có người viết mới biết, nên tôi đề cao cái tâm với nghề. Các tác phẩm âm nhạc, hãy để cho thời gian kiểm chứng, có thể 5 năm, 10 năm... có thể mất nhiều trăm năm.. để chúng ta có thể hiểu được giá trị của một tác phẩm..../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục