Nhân loại vừa trải qua tháng Bảy nóng nhất trong lịch sử

Tháng 7/2015 đã trở thành tháng Bảy nóng nhất trong lịch sử khí tượng thế giới kể từ khi các chuyên gia bắt đầu thu thập và ghi chép dữ liệu về nhiệt độ trung bình của Trái Đất từ năm 1880.
Nhân loại vừa trải qua tháng Bảy nóng nhất trong lịch sử ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: kbur.com)

Tháng 7/2015 đã trở thành tháng Bảy nóng nhất trong lịch sử khí tượng thế giới kể từ khi các chuyên gia bắt đầu thu thập và ghi chép dữ liệu về nhiệt độ trung bình của Trái Đất từ năm 1880.

Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia của Mỹ (NOAA) ngày 20/8 cho biết nền nhiệt trung bình toàn cầu trên cả mặt đất và đại dương trong tháng Bảy vừa qua đạt 16,61 độ C, cao hơn 0,85 độ C so với nhiệt độ nóng kỷ lục trước đó.

Nhiệt độ trung bình từ tháng Giêng đến tháng Bảy vừa qua cũng đạt ngưỡng cao nhất, tăng 0,09 độ C so với kỷ lục được ghi nhận trước đó vào năm 2010. Nhiệt độ tháng Bảy đã tăng trung bình 0,65 độ C sau mỗi thế kỷ.

Sau khi phân tích và đánh giá các số liệu thu thập trên phạm vi toàn cầu, NOAA cho biết tình trạng tăng nhiệt độ diễn ra tại hầu hết các khu vực trên Trái Đất, trong đó có châu Phi - nơi nhiệt độ trong tháng Bảy cao nhất lần thứ hai.

Tình trạng nắng nóng kỷ lục cũng được ghi nhận ở hầu khắp miền Bắc của Nam Mỹ, nhiều nơi tại miền Nam châu Âu và miền Trung châu Á cũng như ở cực tây của nước Mỹ.

Ngược lại, nhiều nơi ở miền Đông Scandinavia và miền Tây nước Nga, miền Đông và Nam châu Á và một vài khu vực rải rác tại miền Trung và Bắc của Bắc Mỹ lại lạnh hơn so với mức trung bình.

Một nghiên cứu khoa học mới công bố cùng ngày cho biết tình trạng Trái Đất ấm lên mà con người là nguyên nhân đã làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán tại bang Califonia của Mỹ và làm gia tăng đáng kể khả năng có những trận hạn hán hết sức tồi tệ trong tương lai tại bang này.

Nghiên cứu của Viện Trái Đất thuộc trường Đại học Columbia không phải là lời cảnh báo đầu tiên rằng tình trạng Trái Đất ấm lên đóng vai trò chính trong việc làm gia tăng tình trạng khô hạn tại California, song đây là nghiên cứu đầu tiên đánh giá tình trạng này sẽ nghiêm trọng đến mức nào.

Kết quả nghiên cứu cho thấy trong một vài thập kỷ, việc nhiệt độ tiếp tục tăng làm độ ẩm giảm sẽ khiến bang California rơi vào tình trạng khô hạn dai dẳng hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục