Bài 5: “Nhận thức về trốn thuế, rửa tiền chưa thực sự được coi trọng"

Quả bom “Hồ sơ Panama” đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về môi trường kinh doanh tại Việt Nam với việc thiếu kiểm soát nguồn tiền giao dịch trong xã hội.
Bài 5: “Nhận thức về trốn thuế, rửa tiền chưa thực sự được coi trọng" ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: dw.com)

Sự kiện rò rỉ “Hồ sơ Panama” gây rúng động toàn cầu, trong đó bức màn bí mật đã bị phơi bày với những kỹ xảo che giấu tài sản, rửa tiền, trốn thuế… của giới nhà giàu quốc tế. Quy mô của vụ bê bối “bom tấn” này liên quan tới 12 nguyên thủ quốc gia, 128 chính trị gia, 14.000 doanh nghiệp cùng hơn 500 ngân hàng có dính líu trực tiếp.

Rõ ràng, các quốc gia có các mức thuế suất thấp và hệ thống thực thi pháp luật yếu kém, lỏng lẻo đang được các đối tượng trên nhắm tới như những “thiên đường trốn thuế.”

Ông Nguyễn Thanh Bình, Học viện Chiến lược, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, không chỉ ở Panama mà các quốc gia, vùng lãnh thổ khác như Monaco, Costa Rica,… cũng được coi như là các “thiên đường thuế”.

Theo ông Bình, các nước này giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân để thu hút các doanh nghiệp đầu tư là bình thường. Tuy nhiên, thực tế đã có không ít những hoạt động trốn thuế, bằng cách lập ra công ty ma rồi chuyển tiền, chạy lòng vòng và thậm chí trong đó có cả “tiền đen.”

“Nhưng trốn thuế chỉ là một trong các câu chuyện với vụ việc ‘Hồ sơ Panama’, đáng lo hơn là việc rửa tiền 'bẩn' của quan chức, tội phạm sau đó tiền lại quay lại các nước gây ra nhiều hệ lụy. Đây mới điều đáng lên án,” ông Bình nói.

Theo báo cáo của Tổ chức Oxfam, ước tính người giàu trên thế giới đã để 7.600 tỷ USD trong các tài khoản ở nước ngoài và nếu thu thuế từ các khoản thu nhập mà khối tài sản này tạo ra, có giá trị lên tới 190 tỷ USD. Tuy nhiên, xu hướng ngày càng nhiều công ty và cá nhân thông qua các “thiên đường trốn thuế” để nhằm tránh nộp thuế, điều này càng làm gia tăng sự bất bình đẳng giàu nghèo trên toàn cầu.

Báo cáo của Liên hợp quốc cũng chỉ ra vấn nạn trốn thuế từ các công ty đã làm cho ngân sách ở các nước nghèo thất thu cả trăm tỷ USD và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.

Không chỉ tác động tới thế giới, quả bom “Hồ sơ Panama” đồng thời cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về môi trường kinh doanh tại Việt Nam với việc  thiếu kiểm soát dòng tiền sẽ tạo ra những kẽ hở cho các hoạt động trốn thuế cũng như rửa tiền.

Một chuyên gia pháp chế trong ngành ngân hàng thừa nhận, việc chuyển tiền đi nước ngoài luôn được kiểm soát theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhưng việc nhận ngoại tệ về thì hầu như không.

Điều này theo ông đồng nghĩa với việc ngân hàng mới chỉ tập trung kiểm soát chặt đầu đi và chấp nhận vô điều kiện với dòng tiền chảy về vì quan niệm tiền đó đã phải hợp pháp dưới sự kiểm soát của nước ngoài.

Theo thống kê từ Bộ Tài chính cho biết riêng trong năm 2015, các hoạt động thanh tra doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết và dấu hiệu chuyển giá, cơ quan chức năng đã thực hiện giảm lỗ 4.400 tỷ đồng, thu truy hoàn và phạt tài chính lên tới trên 500 tỷ đồng.

Hiện tượng vi phạm pháp luật về thuế diễn ra khá phổ biến, cũng trong năm 2015, cơ quan công an đã nhận trên 1.600 hồ sơ liên quan đến các vụ việc có dấu hiệu trốn thuế, nợ đọng thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp...

Tuy nhiên, những kết quả này theo nhiều chuyên gia chỉ là phần nổi vô cùng nhỏ của tảng băng chìm tại Việt Nam.

“Rửa tiền, trốn thuế chưa thực sự bị coi là nguy cơ. Các dòng tiền từ cá nhân, tổ chức trong nước và thậm chí là từ nước ngoài cũng dễ dàng chảy vào nền kinh tế mà không cần biết sạch hay bẩn. Theo tôi, luật lệ bất cập chưa phải vấn đề mà điều đáng lo ngại mà vấn nạn rửa tiền, trốn thuế hiện chưa thực sự được nhận thức đúng đắn,” chuyên gia Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh./.

Bài 6: Người giàu thế giới lo rửa tiền, nhà giàu Việt Nam thì sao?

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục