Nhân tố Trung Quốc tiếp tục kéo giá dầu thế giới đi xuống

Khép phiên 1/9, giá dầu thế giới đi xuống do chỉ số chế tạo kém khả quan của Trung Quốc tác động tiêu cực đến nhu cầu đối với “vàng đen” và niềm tin của thị trường.
Nhân tố Trung Quốc tiếp tục kéo giá dầu thế giới đi xuống ảnh 1Trạm bơm tại mỏ dầu Kern River ở Bakersfield, California, Mỹ ngày 24/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Khép phiên 1/9, giá dầu thế giới đi xuống do chỉ số chế tạo kém khả quan của Trung Quốc - nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới - tác động tiêu cực đến nhu cầu đối với “vàng đen” và niềm tin của thị trường.

Tại New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Mười giảm 3,79 USD (7,7%) xuống còn 45,41 USD/thùng. Trong khi đó, tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn khép phiên ở mức 49,56 USD/thùng, giảm 4,59 USD (8,5%) so với mức chốt phiên ngày 31/8.

Các thị trường thế giới lại một lần nữa dấy lên quan ngại về tình hình sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Kết quả khảo sát chính thức cho thấy hoạt động chế tạo ở Trung Quốc trong tháng Tám giảm với tốc độ nhanh nhất trong ba năm. Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong tháng Tám giảm từ mức 50 điểm trong tháng Bảy xuống 49,7 điểm. Chỉ số PMI tính trên cơ sở 100 điểm, thể hiện hoạt động sản xuất tại các nhà máy và công xưởng, được xem là một thước đo sức khỏe nền kinh tế đất nước. PMI trên 50 điểm thể hiện tăng trưởng, dưới 50 điểm thể hiện giảm sút.

Theo tập đoàn tài chính Mỹ Citigroup, Trung Quốc đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều phối giá hàng hóa, trong đó có “vàng đen,” xuống mức thấp nhất từ trước đến nay, và dự kiến tình trạng này sẽ còn tiếp diễn trong nhiều tháng tới.

Trong khi đó, chỉ số PMI của Mỹ trong tháng Tám cũng giảm xuống mức 51,1 điểm ​- thấp nhất trong năm nay, so với mức 52,7 trong tháng Bảy.

Giới phân tích nhận định tình trạng dư cung dầu thế giới vẫn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới giá dầu, bất chấp việc giá “vàng đen” hồi phục mạnh trong ba ngày qua.

Nicholas Teo, chuyên gia phân tích thị trường tại CMC Markets, cho biết mặc dù sản lượng dầu Mỹ đã bắt đầu giảm, tuy nhiên vẫn tăng 7,1% so với năm ngoái.

Ông nói thêm trong tương lai gần, tình hình cung và cầu đối với dầu sẽ ít hoặc không biến động, và cần mất nhiều thời gian mới có thể điều chỉnh được tình trạng dư cung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục