Nhật Bản gặp khó khi ấn định giá điện năng tái sinh

Theo báo Yomiuri ra 2/5, FIT với hàng điện năng có nguồn từ năng lượng tái sinh ở Nhật sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải.
Theo nhật báo Yomiuri số ra ngày 2/5, chế độ giá cố định (FIT) - hay tiêu chuẩn giá tối thiểu - đối với mặt hàng điện năng có nguồn gốc từ năng lượng tái sinh như năng lượng Mặt Trời và phong điện ở Nhật Bản sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải.

Một ủy ban thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đã đưa ra đề xuất liên quan đến mức giá mà các công ty điện lực mua điện từ năng lượng tái sinh dưới sự điều chỉnh của hệ thống thuế này.

Chính phủ Nhật Bản sẽ chính thức quyết định mức giá trong tháng Năm này và các công ty điện lực sẽ được phép mua điện kể từ tháng Bảy năm nay. Mức giá dự kiến là 42USD/kWh đối với năng lượng Mặt Trời, 23USD/kWh cho năng lượng gió và 27USD cho năng lượng địa nhiệt. Thang giá trên được tính toán bằng cách thêm phần lợi nhuận tương ứng vào chi phí thông thường trong sản xuất. Tuy nhiên, chúng đều tương ứng với mức giá mà các nhà sản xuất đưa ra trước đó và cao hơn so với mức dự tính.

Với mức giá đề xuất như vậy, METI rõ ràng đang có ý định thúc đẩy hoạt động sản xuất và kinh doanh năng lượng tái sinh bằng cách khuyến khích ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, bản thân cơ chế này chỉ mang tính nhất thời.

Theo cơ chế giá cố định, chi phí mà các công ty điện lực phải gánh khi mua năng lượng tái sinh ở mức cao sẽ được ấn định thông qua một mức giá chung. Căn cứ vào đó, METI ước tính giá điện sinh hoạt đối với một hộ gia đình sẽ dao động trong khoảng từ 70-100 yen/tháng trong năm tài khóa đầu tiên song nó sẽ còn tăng do việc đầu tư mở rộng sản xuất điện năng.

Ngoài ra, chính phủ còn tính đến các biện pháp đặc biệt áp dụng đối với các ngành công nghiệp nặng như sắt thép, đối tượng ngốn một lượng điện năng khổng lồ với lượng tiêu thụ chiếm tới 80% tổng sản lượng điện.

Tuy nhiên, sau khi các khoản hỗ trợ của chính phủ bổ sung cho thâm hụt lợi nhuận không còn nữa, khoản thiếu hụt này sẽ chuyển sang các ngành công nghiệp khác và các hộ gia đình thông qua giá tiêu thụ điện. Một khi chi phí không được san sẻ một cách cân bằng, người sử dụng điện năng sẽ tỏ ra bất mãn.

Nhật Bản hiện đang ở trong tình trạng khẩn cấp về năng lượng do không có một lò phản ứng hạt nhân nào được vận hành trở lại trong khi việc sản xuất nhiệt điện đòi hỏi khoản đầu tư thêm khoảng từ 3.000 đến 4.000 tỷ yen/năm do chi phí nhiên liệu tăng. Trong khi đó, chính phủ phải hết sức tránh mọi sự gia tăng trong chi phí điện năng. Nếu thuế suất đánh vào điện khiến giá bị đội lên, chính phủ sẽ phải giảm giá điện năng một cách linh hoạt.

rên thực tế, Đức - quốc gia tiên tiến hơn Nhật Bản về cơ chế giá cố định-– hồi năm ngoái đã phải chứng kiến khoản phụ trội giá điện đối với hộ gia đình vượt quá 1.200 USD/tháng. Trước phản ứng gay gắt của công chúng, hồi đầu năm nay, Chính phủ Đức đã hạ thấp mức giá này từ 20-30%. Tháng Một năm nay, Chính phủ Tây Ban Nha đã hoãn việc áp dụng chế độ này đối với các dự án sản xuất điện năng tái sinh.

Kinh nghiệm của các quốc gia khác cho thấy rất khó duy trì việc sản xuất loại điện năng này do chi phí sản xuất vẫn còn khá đắt đỏ ngay cả khi chính phủ hỗ trợ bằng chính sách.

Nhiều người bày tỏ kỳ vọng về sự thúc đẩy việc làm và công nghiệp liên quan đến kinh doanh năng lượng tái sinh như sản xuất các tấm pin năng lượng Mặt Trời, song thực tế lại khá mờ mịt. Ở Đức, một hãng sản xuất tấm năng lượng Mặt Trời và một số hãng khác đã phải sáp nhập sau khi phải đối mặt với áp lực từ các sản phẩm của Trung Quốc với giá thành rẻ hơn.

Bên cạnh đó, việc sản xuất điện Mặt Trời và phong điện còn phải gặp nhiều trở ngại liên quan đến việc mua mặt bằng làm cơ sở sản xuất và tốc độ khấu hao của trang thiết bị. Rõ ràng, con đường rời xa điện hạt nhân của Nhật Bản không hề bằng phẳng./.

Hữu Thắng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục