Nhật Bản nới lỏng bảo hiểm thương mại để thúc đẩy xuất khẩu

Các công ty bảo hiểm lớn của Nhật Bản đang tích cực liên kết với Tổ chức bảo hiểm thương mại Nhật Bản trong việc mở rộng hoạt động bảo hiểm giao dịch xuất khẩu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nhật Bản nới lỏng bảo hiểm thương mại để thúc đẩy xuất khẩu ảnh 1Tàu chở hàng Baosteel Emotion của Nhật Bản. (Ảnh minh họa/Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Các công ty bảo hiểm lớn của Nhật Bản đang tích cực liên kết với Tổ chức bảo hiểm thương mại Nhật Bản (NEXI) trong việc mở rộng hoạt động bảo hiểm giao dịch xuất khẩu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Với sự góp sức của các công ty bảo hiểm, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản sẽ thuận lợi hơn trong hoạt động xuất khẩu, có được thế cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên thị trường quốc tế.

Từ mùa Thu năm nay, Công ty bảo hiểm hàng hải Tokyo sẽ mở rộng số mặt hàng có hạn mức phí tham gia bảo hiểm, giảm phí bảo hiểm lên tới hàng chục phần trăm đối với một số mặt hàng chuyên dụng và rút ngắn thời gian thẩm tra từ một tháng như hiện nay xuống còn hai tuần.

Với sự hỗ trợ của công ty bảo hiểm cùng với sự hậu thuẫn của NEXI, các công ty vừa và nhỏ Nhật Bản có thể yên tâm giao dịch với các doanh nghiệp nước ngoài mà không phải lo ngại những tình huống xấu bất ngờ xảy ra với các đối tác.

Tương tự, các tập đoàn bảo hiểm hàng đầu khác của Nhật Bản như Sompo, bảo hiểm hàng hải Mitsui Sumitomo cũng nới lỏng các điều kiện và ưu đãi phí bảo hiểm xuất khẩu đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản.

Một trong những điều kiện được nới lỏng là những công ty Nhật Bản chỉ làm ăn với duy nhất một đối tác tại nước ngoài cũng được tham gia dịch vụ bảo hiểm, thay vì quy định phải ít nhất là hai đối tác như hiện nay.

Sự tham gia tích cực hơn của các công ty bảo hiểm hướng tới hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ là có định hướng từ Chính phủ Nhật Bản.

Luật bảo hiểm thương mại được sửa đổi vào năm 2014 cho phép NEXI được tái bảo hiểm, do đó các công ty bảo hiểm Nhật Bản có khả năng chấp nhận mức rủi ro cao hơn.

Hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, các công ty bảo hiểm sẽ chi trả một phần tổn thất phát sinh trong các trường hợp đối tác nước ngoài bị phá sản, không thể hoặc kéo dài thời hạn trả nợ hoặc các doanh nghiệp Nhật Bản không thể thu hồi nợ do hạn chế giao dịch hối đoái của chính quyền nước đối tác.

Đó cũng là một khâu nhằm thực hiện tham vọng của chính phủ hiện nay nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp vừa nhỏ Nhật Bản vào năm 2020 lên gấp hai lần so với mức 3.700 tỷ yen của năm 2010./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục