Nhật Bản trồng cây liễu sam không phấn tránh dị ứng

Nhật Bản phát động phong trào trồng rừng với kỹ thuật nhân giống số lượng lớn loài cây liễu sam không phấn hoa nhằm tránh dị ứng.
Người dân thị trấn Tateyama tỉnh Toyama, Nhật Bản, ngày 10/11 đã phát động phong trào trồng rừng với kỹ thuật nhân giống số lượng lớn hạt giống của cây liễu sam không phấn hoa (mukafun sugi).

Đây là một tin vui cho những ai mắc chứng dị ứng phấn hoa mỗi khi loài cây này bước vào mùa thụ phấn.

Theo Viện nghiên cứu lâm nghiệp tỉnh Toyama, Toyama là địa phương đầu tiên trên cả nước bắt đầu chính thức trồng loại cây lấy gỗ này.

Loại cây liễu sam không phấn này được phát hiện từ cây liễu sam tổ tại một đền thờ thuộc thành phố Toyama hồi năm 1992 và được viện này tiến hành nghiên cứu.

Năm 2008, Viện đã chính thức phát triển kỹ thuật nhân giống cây liễu sam không phấn chất lượng tốt nhờ cải thiện cất lượng hạt giống của cây tổ. Từ năm 2009, Viện bắt đầu nhân giống với số lượng lớn.

Các nhân viên hợp tác xã lâm nghiệp bắt đầu trồng 300 cây giống có chiều cao từ 30-60cm trên diện tích canh tác 1.500m2 tại vùng núi thị trấn Tateyama, tỉnh Toyama.

Dự kiến, trong năm nay, tỉnh Toyama sẽ xuất cây giống cho bốn hợp tác xã với mục tiêu trồng được 4.700 cây giống bao phủ các khu vực đồi núi với diện tích khoảng 23.000m2. Từ năm 2016, địa phương này có kế hoạch xuất giống cây ra các tỉnh ngoài Toyama.

Hiện tượng dị ứng phấn hoa (kafunsho) trở thành vấn đề y tế nghiêm trọng ở Nhật Bản, ảnh hưởng đến sức khoẻ và chất lượng sống của nhiều người, đặc biệt là những bệnh nhân có tiền sử mẫn cảm đối với loại phấn từ loài cây liễu sam này. Mỗi khi loài cây này đến mùa thụ phấn, số lượng người bị dị ứng phấn hoa ở Nhật Bản tăng đột biến.

Sự xuất hiện của loại cây liễu sam không phấn hoa này có thể sẽ góp phần khắc phục tình trạng trên./.

Hữu Thắng/Tokyo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục