Nhật báo Campuchia đăng trên trang nhất bài phỏng vấn Đại sứ Việt Nam

Nhật báo Rasmei Kampuchea (Tia sáng Campuchia), ấn bản tiếng Khmer có số lượng phát hành lớn nhất ở Campuchia hiện nay, sáng 24/6 đã đăng trên trang nhất bài phỏng vấn Đại sứ Việt Nam Thạch Dư.
Nhật báo Campuchia đăng trên trang nhất bài phỏng vấn Đại sứ Việt Nam ảnh 1Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Thạch Dư phát biểu trên Truyền hình Quốc gia Campuchia. (Ảnh: Danh Chanh Đa/TTXVN)

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam​-Campuchia (24/6/1967-24/6/2017), nhật báo Rasmei Kampuchea (Tia sáng Campuchia), ấn bản tiếng Khmer có số lượng phát hành lớn nhất ở Campuchia hiện nay, sáng 24/6 đã đăng trên trang nhất bài phỏng vấn Đại sứ Việt Nam Thạch Dư. 

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Đại sứ Thạch Dư đánh giá kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức đến nay, quan hệ hai nước không ngừng phát triển theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài.”

Trong thời gian gần đây, hai nước thường xuyên tiến hành trao đổi các đoàn cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cũng như giữa các bộ, ngành, địa phương và giao lưu nhân dân, góp phần củng cố thêm sự tin cậy giữa các nhà lãnh đạo và nhân dân hai nước.

Qua các chuyến thăm, lãnh đạo cấp cao hai nước đều khẳng định quyết tâm cùng nhau tiếp tục vun đắp cho mối quan hệ đoàn kết hữu nghị truyền thống hợp tác tốt đẹp giữa hai nước.

Đại sứ Thạch Dư khẳng định rằng mối quan hệ chính trị tốt đẹp Việt Nam-Campuchia đã tạo nền tảng cho hợp tác song phương phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước.

[50 năm quan hệ Việt Nam-Campuchia: Cùng hướng tới tương lai]

Hợp tác trên lĩnh vực an ninh quốc phòng giữa hai nước không ngừng được tăng cường và thúc đẩy. Hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư giữa hai nước cũng đạt được những kết quả rất ấn tượng. Các cơ chế hợp tác đa dạng như Ủy ban hỗn hợp, Hội nghị hợp tác và phát triển các tỉnh biên giới, Hội nghị xúc tiến đầu tư… đã góp phần đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước không ngừng phát triển, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân mỗi nước. Hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, văn hóa, y tế… cũng được quan tâm thúc đẩy.

Hàng năm, Việt Nam cấp hàng trăm suất học bổng dài hạn cho sinh viên Campuchia sang học tại Việt Nam và Campuchia cũng giúp đào tạo cho sinh viên Việt Nam theo nhu cầu của các bộ, ngành và địa phương Việt Nam.

Hai nước cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, nhất là ở các địa phương giáp biên giới. Việt Nam cũng thường xuyên tổ chức các đoàn bác sỹ tình nguyện sang khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho nhân dân Campuchia.

Việt Nam và Campuchia cũng đang phối hợp chặt chẽ trong trao đổi thông tin, giải quyết tốt các vụ việc phát sinh trên biên giới; hợp tác chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh tại Campuchia.

Trả lời câu hỏi về việc gia tăng trao đổi thương mại song phương giữa hai nước, đặc biệt là sau kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Đại sứ Thạch Dư cho biết theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam năm 2016, kim ngạch thương mại hai nước đạt khoảng 3 tỷ USD.

Để đạt được mục tiêu 5 tỷ USD trong thời gian sớm nhất có thể, các cơ quan hữu quan và cộng đồng doanh nghiệp hai nước cần quan tâm đến các vấn đề như doanh nghiệp hai nước cần đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị, tuyên truyền quảng bá rộng rãi về hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp để ngày càng có nhiều người tiêu dùng biết đến và sử dụng; hàng hóa của Việt Nam phải được nâng cao cả về chất lượng, mẫu mã, đáp ứng đúng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng Campuchia; đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại như; hoạch định và triển khai các thỏa thuận, sáng kiến phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Đại sứ cho biết theo hướng này thì việc triển khai thực hiện Bản ghi nhớ (MOU) về các chính sách ưu đãi dành cho khu vực tam giác phát triển Campuchia​-Lào​-Việt Nam đã được đại diện chính phủ ba nước ký năm 2008; thực hiện Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương được ký kết hai năm một lần giữa Bộ Thương mại Campuchia và Bộ Công Thương Việt Nam; đàm phán và sớm đi tới ký kết hiệp định mới thay thế hiệp định về trao đổi hàng hóa và dịch vụ thương mại biên giới mà hai nước đã ký kết 2001;… sẽ góp phần thúc đẩy trao đổi thương mại giữa hai nước.

Về việc xác định và cắm mốc biên giới, Đại sứ Thạch Dư cho biết trên cơ sở các hiệp ước, hiệp định và thỏa thuận của kãnh đạo cấp cao hai nước, các cơ quan chức năng, chính quyền và nhân dân các địa phương dọc biên giới hai bên đã và đang tích cực phối hợp triển khai công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia.

Với nỗ lực chung của cả hai phía, đến nay, hai bên đã hoàn thành được khoảng 84% khối lượng công việc và quyết tâm sớm hoàn thành công tác này nhằm đưa biên giới hai nước trở thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.

Trả lời câu hỏi về việc cả hai nước Việt Nam-Campuchia nói chung và Việt Nam nói riêng, cần làm gì để tiếp tục củng cố và phát triển mối quan hệ giữa hai nước, Đại sứ Thạch Dư cho rằng tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn, và hai bên cần phải nỗ lực để biến những tiềm năng thành hiện thực, đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước.

Đặc biệt, Đại sứ nhấn mạnh việc tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ của mỗi nước hiểu đúng đắn về mối quan hệ láng giềng, hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Campuchia cũng là nhân tố quan trọng góp phần củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Về phần mình, Việt Nam dù còn khó khăn, nhưng luôn coi trọng và dành ưu tiên cao cho việc củng cố và phát triển mối quan hệ láng giềng, hữu nghị truyền thống với Campuchia.

Về lĩnh vực đầu tư, Đại sứ Thạch Dư cho rằng các kết quả đạt được về thương mại, du lịch và đầu tư đã đưa Việt Nam trở thành một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Vương quốc Campuchia.

Riêng về lĩnh vực đầu tư, hiện Việt Nam đã có gần 190 dự án trong nhiều lĩnh vực khác nhau với tổng vốn đầu tư khoảng 2,9 tỷ USD. Việt Nam nằm trong số top 5 nhà đầu tư lớn nhất tại Campuchia.

Cùng với thương mại và du lịch, hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia góp phần đáng kể cho sự phát triển của kinh tế Campuchia, cho công cuộc giảm nghèo, an sinh xã hội, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân Campuchia.

Để có thể thu hút nhiều hơn nữa đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và của các nước khác nói chung sang Campuchia, theo Đại sứ, bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam, Chính phủ Campuchia, cụ thể là Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC) cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, lập danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư (FDI) từ nước ngoài, có chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn; Việt Nam và Campuchia cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án sau khi được phê duyệt; tăng cường hơn nữa sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan của hai nước trong công tác xúc tiến đầu tư và quản lý nhà nước đối với các hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia, góp phần tạo lập môi trường đầu tư tại Campuchia theo hướng ổn định, minh bạch hơn và có thể tiên liệu trước nhằm giải quyết nhanh và có hiệu quả các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai các hoạt động đầu tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục