Nhật cam kết ủng hộ tiến trình cải cách ở Myanmar

Ngày 25/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đưa ra cam kết "cả nước Nhật" sẽ ủng hộ tiến trình cải cách đang diễn ra mạnh mẽ ở Myanmar.
Theo hãng Kyodo/AFP, ngày 25/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cam kết "cả nước Nhật" sẽ ủng hộ tiến trình cải cách đang diễn ra ở Myanmar để đảm bảo sự phát triển của quốc gia đang trong quá trình dân chủ hóa nhanh chóng này.

Trả lời báo giới tại Yangon nhân chuyến công du ba ngày quốc gia Đông Nam Á này, ông Abe cho biết Tokyo muốn viện trợ phát triển cơ sở hạ tầng ở Myanmar như nhà máy nhiệt điện, mạng lưới viễn thông tốc độ cao, hệ thống pháp lý của quốc gia này.

Ông nhấn mạnh: "Với việc hỗ trợ tăng trưởng của Myanmar, Nhật Bản còn có thể thúc đà đẩy tăng trưởng kinh tế của mình."

Ngoài ra, Thủ tướng Nhật Bản cũng nhất trí đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đặc khu kinh tế (SEZ) Thilawa quy mô lớn gần Yangon nhằm làm sâu sắc các mối quan hệ kinh tế với Myanmar.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý Đặc khu kinh tế Thilaoa, đồng thời là Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế và kế hoạch quốc gia Myanmar, ông U Hset Aung cũng nhấn mạnh việc phát triển Đặc khu kinh tế Thilaoa là một dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ giữa Myanmar và Nhật Bản, tạo cơ hội việc làm lớn và cung cấp công nghệ cao cho người dân địa phương.

Đặc khu kinh tế Thilaoa, do phía Myanmar đóng góp 51% cổ phần và Nhật Bản góp 49% cổ phần, có diện tích trên 2.000 hécta, bao gồm các nhà máy xản xuất, khu công nghiệp công nghệ cao và nhà máy dệt.

[Thủ tướng Nhật Bản thăm Myanmar sau gần 40 năm]

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 24/5 đã đến Yangon, bắt đầu chuyến thăm thiện chí chính thức ba ngày tới Myanmar.

Ông Abe là thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản thăm Myanmar kể từ năm 1977, sau chuyến thăm của cựu Thủ tướng Takeo Fukuda tới quốc gia Đông Nam Á này.

Kể từ khi Myanmar mở cửa cho đầu tư vào cuối năm 1988, đầu tư của Nhật Bản vào Myanmar tính đến tháng 3/2013 đã lên đến 270,283 triệu USD.

Theo số liệu thống kê chính thức, kim ngạch thương mại giữa Nhật Bản và Myanmar trong năm 2012 đạt hơn 1,4 tỷ USD, trong đó, trong đó kim ngạch nhập khẩu của Myanmar là 1,053 tỷ USD. Hiện Nhật Bản là chủ nợ lớn nhất của Myanmar. Kể từ năm 1970 đến tháng 4/2012, Myanmar đã nợ Nhật Bản trên 502 tỷ yên (khoảng 5 tỷ USD)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục