Nhật hối Triều Tiên đẩy nhanh điều tra về công dân bị bắt cóc

Nhật Bản hối Triều Tiên đẩy nhanh điều tra về công dân bị bắt cóc

Nhật Bản đã đề nghị Triều Tiên đẩy nhanh cuộc điều tra về số phận các công dân Nhật bị nước này bắt cóc nhiều thập kỷ trước và báo cáo tình hình “càng sớm càng tốt.”
Nhật Bản hối Triều Tiên đẩy nhanh điều tra về công dân bị bắt cóc ảnh 1Ông Junichi Ihara, Vụ trưởng Vụ châu Á-châu Đại Dương Bộ Ngoại giao Nhật Bản. (Nguồn: AP)

Nhật Bản ngày 28/10 đã đề nghị Triều Tiên đẩy nhanh cuộc điều tra về số phận các công dân Nhật bị nước này bắt cóc nhiều thập kỷ trước và báo cáo tình hình “càng sớm càng tốt.”


Ông Junichi Ihara, Vụ trưởng Vụ châu Á-châu Đại Dương Bộ Ngoại giao Nhật Bản dẫn đầu phái đoàn gồm 12 người, đã đưa ra đề nghị trên trong cuộc đối thoại đầu tiên kéo dài hai ngày với Ủy ban điều tra đặc biệt của Triều Tiên do ông So Tae Ha, Thứ trưởng An ninh nhà nước, đứng đầu.

Ông Ihara nói với ông So rằng “các vụ bắt cóc là vấn đề quan trọng nhất đối với Nhật Bản” trong cuộc điều tra toàn diện và thấu đáo về toàn bộ những người Nhật đang sinh sống ở Triều Tiên và Bình Nhưỡng bắt đầu từ tháng 7/2014.

Ông So Tae Ha cũng là tham tán phụ trách an ninh thuộc Ủy ban Quốc phòng, cơ quan hàng đầu nhà nước do nhà lãnh đạo Kim Jong Un đứng đầu.

Trao đổi với báo giới sau cuộc hội đàm, ông Ihara cho biết ông đã nghe thông báo từ phía ông Kang Song Nam, Vụ trưởng thuộc Bộ An ninh nhà nước, về cuộc điều tra của Bình Nhưỡng liên quan đến 12 nạn nhân chính thức được Nhật Bản công nhận.

Ông Ihara cho biết ông đã hỏi về những chi tiết liên quan đến các nạn nhân này nhưng từ chối tiết lộ các câu trả lời của ông So, ông Kang và các quan chức Triều Tiên khác đồng thời khẳng định trước tiên ông sẽ báo cáo với Thủ tướng Shinzo Abe và các quan chức chính phủ khác ở Tokyo về việc này.

Sáng 29/10, hai bên sẽ thảo luận về các vấn đề liên quan đến hài cốt của người Nhật đã chết trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai nằm trên địa phận thuộc Triều Tiên ngày nay cũng như các công dân Nhật đã ở lại sau khi kết thúc chiến tranh và các phụ nữ Nhật Bản theo chồng về Triều Tiên sinh sống theo kế hoạch hồi hương năm 1959-1984./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục