Sẽ đáp trả mạnh mẽ

Nhật sẽ "đáp trả mạnh mẽ" việc xâm phạm lãnh hải

Thủ tướng Nhật tuyên bố sẽ "đáp trả mạnh mẽ" kể cả sử dụng đến lực lượng phòng vệ, trước các hành vi xâm phạm lãnh hải nước này.
Chiều 26/7, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda tuyên bố sẽ "đáp trả mạnh mẽ" kể cả việc sử dụng đến lực lượng phòng vệ, trước các hành vi xâm phạm lãnh hải nước này.

Tại phiên họp của Hạ viện, ông Noda khẳng định: "Trong trường hợp xuất hiện những hành vi phạm pháp do các nước xung quanh gây ra tại khu vực lãnh hải của Nhật Bản, trong đó có quần đảo Senkaku (Điếu Ngư), Chính phủ Nhật Bản sẽ đáp trả một cách mạnh mẽ bao gồm cả việc sử dụng lực lượng phòng vệ (SDF) nếu cần."

Tuyên bố của ông Noda được đưa ra nhằm đáp lại lời chất vấn của nghị sĩ Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ), ông Kusuda Daizo, trong bối cảnh các tàu ngư chính của Trung Quốc liên tục tái diễn tình trạng xâm nhập lãnh hải xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku trong thời gian qua.

Tuy chỉ có mục đích kiềm chế những hành động thái quá của Trung Quốc song với việc đề cập đến biện pháp sử dụng SDF, phía Trung Quốc ắt hẳn sẽ có phản ứng mạnh mẽ.

Trước đó, ngày 21/7, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto cho biết ông tin rằng Chính phủ Nhật Bản cần cho phép một nhóm quan chức chính quyền thành phố Tokyo đặt chân lên quần đảo tranh chấp Senkaku mà chính quyền dự kiến sẽ mua một số đảo trong số này từ chủ sở hữu người Nhật.

Phát biểu trước báo giới, ông Morimoto nói “tôi thắc mắc liệu có đáng để bác bỏ nguyện vọng này hay không,” đồng thời khẳng định ông sẽ ủng hộ việc cho phép một nhóm quan chức đặt chân lên chuỗi đảo không người ở này trên biển Hoa Đông nếu chính quyền thành phố thực hiện các thủ tục đăng ký cần thiết.

Quan điểm của Bộ trưởng Morimoto dường như đi ngược với chủ trương của chính phủ muốn trì hoãn quyết định cho phép các quan chức lên quần đảo do Nhật Bản kiểm soát nhưng hiện đang bị Trung Quốc Đại lục và Đài Loan (Trung Quốc) cùng tuyên bố chủ quyền này.

Chính phủ Nhật Bản - hiện đang thuê 4 trong số 5 đảo chính ở Senkaku từ các chủ sở hữu tư nhân và cấm đặt chân lên các hòn đảo này - cũng có kế hoạch mua một số hòn đảo nhằm duy trì và quản lý chúng một cách hòa bình và ổn định.

Bắc Kinh chỉ trích kế hoạch của Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo này và cho rằng “bất cứ biện pháp đơn phương nào của Nhật Bản là bất hợp pháp và vô hiệu"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục