Nhật tiếp tục tình trạng báo động đối phó Triều Tiên

Nhật tiếp tục ở trong tình trạng báo động trong ngày thứ hai liên tiếp để sẵn sàng đối phó với kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên.
Nhật Bản tiếp tục ở trong tình trạng báo động trong ngày thứ hai liên tiếp để sẵn sàng đối phó với kế hoạch phóng vệ tinh của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.

Thủ tướng Yoshihiko Noda và các bộ trưởng liên quan có trách nhiệm đối phó với vụ phóng đã ở lại văn phòng từ sáng cho đến đầu giờ chiều, khoảng thời gian được cho là Triều Tiên có thể phóng tên lửa.

Triều Tiên ngày 10/12 đã tuyên bố nới rộng khoảng thời gian dự kiến phóng đến 29/12 vì “một số khiếm khuyết kỹ thuật” ở tên lửa. Do đó, Tokyo cũng có kế hoạch kéo dài thời gian ra lệnh cho lực lượng phòng vệ sẵn sàng bắn hạ tên lửa Triều Tiên nếu có nguy cơ rơi vào lãnh thổ Nhật Bản.

Bộ trưởng Quốc phòng Satoshi Morimoto sáng 11/12 cho biết cần phải sớm sửa đổi mệnh lệnh cho phù hợp với khoảng thời gian dự kiến phóng mà Triều Tiên mới công bố.

Chính phủ Nhật Bản có ý định dành ưu tiên cho việc quản lý khủng hoảng trong bối cảnh đang diễn ra cuộc vận động tranh cử hạ viện vào ngày 16/12 tới. Một quan chức chính phủ Nhật Bản nhấn mạnh “chúng tôi không thể nới lỏng cảnh giác vì chúng tôi không biết khi nào Triều Tiên sẽ phóng tên lửa."

Chính phủ Nhật Bản sẽ thông báo cho các chính quyền địa phương và các phương tiện thông tin đại chúng ngay sau khi vệ tinh cảnh báo sớm của Mỹ phát hiện các dấu hiệu phóng tên lửa từ Triều Tiên.

Chính phủ Nhật Bản đã kêu gọi người dân tiếp tục sinh hoạt bình thường vì thường thì khả năng các mảnh vỡ tên lửa rơi vào Nhật Bản là rất ít.

Để chuẩn bị cho khả năng tên lửa rơi vào Nhật Bản, Tokyo đã đưa các tàu trang bị tên lửa chống tên lửa đạn đạo của lực lượng phòng vệ trên biển tới vùng biển xung quanh Nhật Bản.

[Nhật Bản đặt trong tình trạng báo động hoàn toàn]


Ban đầu, Triều Tiên đã thông báo với Tổ chức hàng hải quốc tế rằng họ có thể phóng tên lửa mang theo vệ tinh quỹ đạo Trái Đất trong khoảng thời gian từ 7 am đến giữa trưa từ ngày 10-22/12, trước khi nới rộng khoảng thời gian chờ phóng.

Mỹ, Nhật Bản và một số nước khác cho rằng kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên là màn che đậy một vụ thử công nghệ tên lửa đạn đạo tầm xa có thể bắn tới Mỹ.

Nhật Bản cùng với các nước khác đã yêu cầu Triều Tiên kiềm chế bằng cách hủy kế hoạch phóng tên lửa, một kế hoạch vi phạm các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc./.

Minh Sơn/Tokyo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục