Nhiều đặc điểm độc đáo trong mộ cổ Cao Phương

Các chuyên gia phát hiện nhiều điểm đặc biệt có giá trị về mặt khảo cổ học trong ngôi mộ cổ niên đại khoảng thế kỷ 17 thời Hậu Lê.
Tiến hành khai quật ngôi mộ cổ có niên đại khoảng thế kỷ 17 thời Hậu Lê phát lộ đầu tháng 4 trong quá trình thi công làm đường thuộc dự án Khu công nghiệp Bảo Minh tại cánh đồng Đầu Đín (thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), các chuyên gia thuộc Hội Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Nam Định đã phát hiện nhiều điểm đặc biệt có giá trị về mặt khảo cổ học.

Theo kết quả nghiên cứu bước đầu được phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Lân Cường, Phó Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, thay mặt nhóm khai quật công bố tại Hội nghị "Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2011" do Viện Khảo cổ học tổ chức ngày 29/9 vừa qua tại Hà Nội, có thể khẳng định mộ hợp chất ở Cao Phương là một phát hiện rất độc đáo.

Đây là ngôi mộ hợp chất trong quan ngoài quách nhỏ nhất được phát hiện tại Việt Nam từ trước đến nay và cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam có loại mộ cấu tạo như mộ hợp chất nhưng lại dùng cho mục đích cải táng.

Cụ thể, ngôi mộ cổ Cao Phương có quách làm bằng hợp chất (nhiều khả năng làm bằng mật, cát, vôi và than củi) dày 6,3cm bao bọc quanh quan tài gỗ màu đen còn nguyên vẹn (nhiều khả năng là gỗ ngọc am) có kích thước 94,5x27,3x33,4 cm, nhỏ bằng một nửa hoặc 1/3 quan tài ở các ngôi mộ cổ từng khai quật trước đây.

Quan tài được khớp với nắp quan tài nhờ 4 chốt gỗ nhỏ khớp với mộng ở phía trên, hoàn toàn không có đinh bằng kim loại để khóa mộ như vẫn thường gặp ở các ngôi mộ hợp chất khác.

Các hiện vật trong quan tài bao gồm một tấm vải thô màu nâu vàng đã rất mủn sũng ướt dầu bao bọc cả khổ vật chất bên trong, một hộp sọ được phủ trên mặt một tấm giấy bản. Bộ răng còn nguyên vẹn 32 chiếc đều nhuộm đen.

Dưới phần gáy có hai miếng đất sét hình bán nguyệt. Các xương dưới sọ còn nguyên vẹn, xếp song song và khít sát vào nhau. Nhìn vào đường khớp trên hộp sọ, độ mòn của răng và dựa vào khuyết ngồi lớn của xương cánh chậu, có thể khẳng định đây là cốt của một người đàn ông khoảng 40-45 tuổi.

Một điều đặc biệt quan trọng là nhóm khai quật đã phát hiện ra 8 sợi tóc còn dính trên xương hàm dưới và xương dưới sọ.

Theo nhận định của phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Lân Cường, có thể khi người đàn ông này mất, những người thân đã giữ lại một ít tóc để khi cải táng mới chôn theo cùng di cốt, giống như tục chôn theo răng hay móng tay, móng chân của người đã khuất thường gặp ở những mộ xác ướp khác.

Điểm đặc biệt nữa ở ngôi mộ cổ Cao Phương là việc ướp tinh dầu cho một bộ xương. Trước đó, ở Việt Nam chưa bao giờ phát hiện ra việc ướp tinh dầu một bộ xương, đặt trong quan tài gỗ, ngoài phủ quách như lần này.

Nhóm khảo cổ đã kịp thời lấy mẫu tinh dầu để phân tích - điều cần thiết mà chưa cuộc khai quật mộ hợp chất nào làm được vì thông thường mộ đã bị phá trước khi các nhà khoa học được báo. Lúc đó, nước mưa hay nước mạch ngầm đã ngấm vào.

Ngoài ra, quanh khu vực phát hiện mộ hợp chất trên, các chuyên gia của Bảo tàng Nam Định đã khảo sát và thu thập được 46 hiện vật gốm, sành sứ thuộc nhiều giai đoạn lịch sử như thời văn hóa Đông Sơn (thế kỷ 4-5 trước Công nguyên), thời thuộc Hán (thế kỷ 1-3 sau Công nguyên), thời Trần (thế kỷ 13-14), thời Lê Sơ (thế kỷ 15), thời Hậu Lê (thế kỷ 17-18) và thời Nguyễn (thế kỷ 19).

Theo ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng Nam Định, hiện nay nhóm khai quật đang tiếp tục nghiên cứu những vấn đề chi tiết về ngôi mộ cổ Cao Phương và tiến hành giám định các hiện vật... để hoàn thành báo cáo khoa học theo đúng quy định ghi trong giấy phép khai quật.

Riêng bộ quan tài đã được Bảo tàng Nam Định đưa về trưng bày vì đây là chiếc quan tài thuộc dạng "trong quan ngoài quách" nhỏ nhất của Việt Nam từ xưa đến nay./.

Hữu Chiến (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục