Nhiều đại biểu chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ

Bên lề Quốc hội, các đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre), Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An), Nguyễn Thanh Thủy (đoàn Hậu Giang) đã chia sẻ quan điểm của mình về phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Nhiều đại biểu chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu chất vấn các thành viên Chính phủ. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Tiếp tục phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, chiều 16/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã đăng đàn trả lời chất vấn.

Bên lề Quốc hội, các đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre), Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An), Nguyễn Thanh Thủy (đoàn Hậu Giang) đã chia sẻ quan điểm của mình về phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Bày tỏ sự chưa thỏa mãn với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, đại biểu hỏi một nội dung, Bộ trưởng lại trả lời nội dung khác.

Đại biểu ví dụ như vấn đề cải cách tiền lương; việc chuyển quản lý ngành Du lịch; thiết kế việc xác định phụ cấp đặc thù của một số ngành, nghề; việc giải quyết sự bất công về tiền lương của các đối tượng khác nhau trong xã hội và các nhóm lao động, cán bộ, công chức...

Đánh giá về câu trả lời "bổ nhiệm đúng quy trình" của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại biểu Nhưỡng cho rằng "bổ nhiệm đúng quy trình" là một câu nói cửa miệng và đúng về mặt chính sách. Tuy nhiên nếu nói như vậy, chưa đảm bảo sự hài lòng của cử tri. Bởi, "đúng quy trình" hay không còn liên quan đến chất lượng bổ nhiệm cán bộ và chất lượng của cán bộ đó.

Ở đây có hai vấn đề, đó là chất lượng của việc luân chuyển, bổ nhiệm, đề bạt... và chính chất lượng của cán bộ được bổ nhiệm. Nếu hai vấn đề này phù hợp, chồng khít với nhau, công tác cán bộ mới đảm bảo tính toàn diện, chất lượng.

Còn nếu chỉ "đúng quy trình" nhưng bổ nhiệm xong người đó không hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí vi phạm pháp luật. Như vậy, cần xem xét lại công tác bổ nhiệm cán bộ hiện nay.

Đối với việc bổ nhiệm ồ ạt ở cuối nhiệm kỳ, đại biểu Nhưỡng cho rằng Bộ trưởng Bộ Nội vụ công nhận có sự việc đó là câu trả lời rất thật và đúng với tinh thần cử tri quan tâm.

Tuy nhiên, theo đại biểu điều quan trọng nhất không phải là đánh giá như vậy mà phải tìm được giải pháp thích hợp, hữu hiệu để việc bổ nhiệm không còn diễn ra ồ ạt ở "hoàng hôn" nhiệm kỳ như nhiều đại biểu quan tâm, đề cập.

Rất phân vân về phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu lấy ví dụ tất cả những vấn đề làm sai khi được hỏi thì Bộ trưởng đều bảo "đúng quy trình."

Không đồng tình quan điểm này, đại biểu Cầu cho rằng, bản thân quy trình không có lỗi, cơ bản do người thực hiện quy trình đó.

Những người này ít thôi, họ bị tha hóa, bị lợi ích nhóm và không làm hết trách nhiệm với Đảng, với dân. Cho nên, họ làm tha hóa quy trình. Do đó, vấn đề ở đây là cần xử lý nghiêm những cán bộ đó để làm gương, chứ không phải cái gì cũng đổ lỗi cho quy trình.

"Bổ nhiệm người nhà, không chọn người tài cũng nói là đúng quy trình; xả lũ gây thiệt hại cho dân cũng nói là đúng quy trình; đầu tư sai gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng cũng bảo là đúng quy trình... như thế là không được. Theo tôi cần dũng cảm nhận trách nhiệm để sửa. Đương nhiên đại biểu Quốc hội và cử tri không yêu cầu sửa ngay mà cần có lộ trình, thời gian, nhưng dứt khoát phải sửa," đại biểu nêu.

Tâm huyết với ý kiến của đại biểu Lê Thị Nga khi chất vấn về bổ nhiệm cán bộ cuối nhiệm kỳ, đại biểu Cầu cho rằng, đây là một tệ nạn rất xấu.

Theo đại biểu, phải làm nghiêm để làm gương cho những người khác. Nếu những cán bộ vì Đảng, vì nước, vì dân thì không làm thế. Do đó, đại biểu mong muốn các đại biểu Quốc hội và cử tri lên tiếng để chấm dứt tình trạng này.

"Chúng ta cần những người tài để cống hiến, phụng sự cho quốc gia, nhân dân, chứ không cần những cán bộ cuối nhiệm kỳ lại làm những việc không ai chấp nhận được," đại biểu nói.

Đánh giá về phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy cho rằng Bộ trưởng vừa mới nhận chức được mấy tháng nhưng đã khá am hiểu lĩnh vực của ngành.

Tuy nhiên, nhiều nội dung trả lời của Bộ trưởng còn chưa rõ, chưa đi thẳng vào vấn đề. Chính vì vậy, nhiều đại biểu đã đăng ký xin tranh luận lại và làm rõ trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc xử lý vấn đề đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục